Chat Zalo! Icon
Bị cách ly y tế do nghi nhiễm và nhiễm COVID-19 sẽ được chi trả bảo hiểm y tế như thế nào?

Bảo hiểm xã hội TPHCM đã có giải pháp đảm bảo quyền lợi của người dân trong việc thanh toán chi phí cho người nghi nhiễm và nhiễm COVID-19.

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố đã có giải pháp đảm bảo quyền lợi của người dân, đó là thanh toán chi phí cho người nghi nhiễm và nhiễm COVID-19.

BHXH Thành phố cũng đã chủ động phối hợp với Sở Y tế, các bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người có thẻ BHYT được khám bệnh khi nghi ngờ nhiễm COVID-19. Đồng thời, ngành BHXH cũng sẵn sàng phối hợp cùng các ngành chức năng, địa phương tuyên truyền về dịch bệnh để người dân hiểu đúng, tránh hoang mang.


Người bị cách ly y tế do nghi nhiễm và nhiễm COVID-19 sẽ được chi trả bảo hiểm y tế

Những hoạt động này thể hiện tính ưu việt của BHXH trong công tác an sinh xã hội. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên VOH đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Thu Hằng – Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM.

* VOH: Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19 có nội dung rất quan trọng là Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ chi trả đối với người có thẻ BHYT mắc COVID-19. Phía cơ quan BHXH, đến nay đã cụ thể hóa kết luận này như thế nào?

- Bà Nguyễn Thị Thu Hằng: Cơ quan BHXH TPHCM cũng vừa nhận được Thông báo số 98/TB-VPCP về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19, trong đó có nội dung rất quan trọng là Quỹ BHYT sẽ chi trả đối với người có thẻ BHYT mắc dịch bệnh COVID-19.

Để thực hiện kết luận này, cơ quan BHXH TPHCM đang chờ hướng dẫn của các cấp thẩm quyền. Tuy nhiên, ngành BHXH cũng đã nhận được văn bản số 505/BYT-BH ngày 6/2/2020 của Bộ Y tế về việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh liên quan đến dịch bệnh do nCoV (nay là SARS-CoV-2) gây ra. Theo đó:

1. Trường hợp được miễn chi phí khám chữa bệnh theo quy định tại Thông tư số 32 của Bộ Tài chính quy định chế độ, quản lý và sử dụng kinh phí đối với người áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế bao gồm:

a) Ca bệnh nghi ngờ nhiễm nCoV;

b) Ca bệnh có thể nhiễm nCoV;

c) Ca bệnh xác định nhiễm nCoV.

Các ca bệnh nêu trên được xác định theo hướng dẫn của Bộ Y tế về chẩn đoán, điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV. Danh mục thiết bị y tế, thuốc, vật tư y tế tiêu hao để chẩn đoán, điều trị thực hiện theo hướng dẫn của Cục Quản lý KCB về danh mục thiết bị y tế, thuốc, vật tư y tế tiêu hao cho đơn vị điều trị cách ly.

2. Trường hợp người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế quy định tại Nghị định 101 của Chính phủ hướng dẫn Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, đang trong thời gian cách ly mà mắc các bệnh khác phải khám, điều trị hoặc đang điều trị bệnh khác mà bị áp dụng biện pháp cách ly y tế.

3. Trường hợp người bệnh tự đi khám chữa bệnh được cơ sở y tế kết luận không phải áp dụng biện pháp cách ly y tế.

* VOH: Người bị áp dụng biện pháp cách ly tại các cơ sở y tế sẽ được Quỹ BHYT thanh toán cụ thể những chi phí khám, chữa bệnh, dịch vụ kỹ thuật y tế nào?

- Bà Nguyễn Thị Thu Hằng: Người đang trong thời gian cách ly y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh mà mắc các bệnh phải khám và điều trị thì được Quỹ BHYT thanh toán chi phí thuốc, hóa chất, máu, dịch vụ kỹ thuật, tiền khám bệnh, giường bệnh, chi phí thở máy, chi phí phẫu thuật, thủ thuật, thuốc theo danh mục được Bộ Y tế ban hành trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng mà Luật BHYT quy định

* VOH: Vừa qua cơ quan BHXH TPHCM có văn bản đề nghị các cơ sở y tế dự trù dự toán tăng thêm do thanh toán chi phí khám chữa bệnh liên quan đến dịch COVID-19 gây ra. Đến nay mức dự trù của các cơ sở y tế như thế nào

- Bà Nguyễn Thị Thu Hằng: Chúng tôi đã gửi văn bản dự trù này tới 185 cơ sở y tế khám chữa bệnh có ký hợp đồng với cơ quan BHXH TPHCM và đến nay đã nhận được dự trù của một số cơ sở khám chữa bệnh với nhiều mức khác nhau, trong đó có đơn vị dự toán mức chi phải tăng thêm tới 13 tỉ đồng. Chúng tôi đang tổng hợp và trình BHXH Việt Nam xem xét giải quyết.

* VOH: Bà có khuyến cáo gì với người dân về việc tham gia BHYT, nhất là BHYT hộ gia đình?

- Bà Nguyễn Thị Thu Hằng: Có thể nói, BHYT như là “phao cứu sinh” đối với người chẳng may bị bệnh, nhất là bệnh hiểm nghèo cần chi phí khám, chữa bệnh lớn

Đã có những trường hợp Quỹ BHYT chi trả số tiền lớn hơn 1 tỉ đồng cho bệnh nhân khám, chữa bệnh do bệnh hiểm nghèo gây ra. Do đó, chúng tôi khuyến cáo những người dân chưa tham gia BHYT nên tham gia BHYT hộ gia đình để được Quỹ BHYT chi trả chi phí khám chữa bệnh nếu chẳng may bị mắc bệnh, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp

Hiện nay Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân tham gia BHYT hộ gia đình và các cơ quan BHXH trực thuộc BHXH TPHCM có nhiều giải pháp, nhiều kênh để hỗ trợ người dân tham gia BHYT hộ gia đình. Người dân có thể liên hệ UBND các phường xã, các bưu cục hoặc các đại lý ở các bệnh viện, phòng khám đa khoa để được hướng dẫn tham gia BHYT hộ gia đình.

Hải quan Nội Bài khẩn trương thông quan hành lý của khách nhập cảnh tăng nhanh do dịch