Sáng 23-5, Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM phối hợp với Bưu điện TP.HCM tổ chức lễ tuyên truyền hưởng ứng tháng vận động triển khai BHXH toàn dân, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện.
Đợt lễ tuyên truyền lần này được triển khai đồng bộ từ trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện trong toàn quốc với chủ đề “Chính sách BHXH - điểm tựa an sinh của người lao động (NLĐ) và nhân dân”.
Điểm tựa an sinh khi về già
Ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM, cho biết: Cùng với sự phối hợp của hai đơn vị là BHXH TP.HCM và Bưu điện TP.HCM, chúng tôi đã đặt mục tiêu phấn đấu trong toàn TP có 1.000 người tham gia BHXH tự nguyện trong buổi lễ tuyên truyền.
Người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ 15 tuổi trở lên, trừ người đang tham gia BHXH bắt buộc.
Những chính sách BHXH tự nguyện được mở rộng để giúp cho những NLĐ tự do được tham gia để khi hết tuổi lao động được hưởng các chế độ như người hưu trí.
“Khi tham gia BHXH tự nguyện, người dân hưởng được năm quyền lợi chính.
Một là khi tham gia BHXH tự nguyện nếu nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi trở lên và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên sẽ được hưởng lương hưu hằng tháng.
Hai là những người này sẽ được cấp bảo hiểm y tế miễn phí khi đang hưởng lương hưu.
Ba là nếu người đang hưởng lương hưu hoặc đang tham gia BHXH tự nguyện từ đủ năm năm trở lên mà qua đời thì thân nhân được hưởng tiền mai táng phí và tiền tuất một lần.
Bốn là lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với quỹ BHXH.
Năm là người tham gia BHXH tự nguyện còn được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng khi tham gia BHXH tự nguyện với thời gian hỗ trợ tối đa là 10 năm” - ông Thanh thông tin.
Nhân viên bưu điện tư vấn các quyền lợi khi người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ở chợ Đa Kao, quận 1.
Xe ôm cũng nhận được lương hưu
Được các nhân viên Bưu điện TP.HCM tư vấn tại chợ Đa Kao, quận 1, chị Lê Thị Diễm Phượng, một tiểu thương bán hàng tại chợ, phấn khởi nói: “Trước đây tôi có tham gia BHXH tự nguyện cho chồng tôi nhưng mấy tháng gần đây tôi ngưng đóng vì dịch COVID-19. Tôi thấy tham gia BHXH tự nguyện cũng rất tiện vì một ngày mình chỉ cần tiết kiệm 5.000 đồng là về già mình nhận được lương hưu một tháng khoảng 700.000 đồng. Ngoài ra, người mua bảo hiểm còn được một số quyền lợi khác. Sắp tới, tôi sẽ tiếp tục tham gia”.
“Tôi là người không vợ con, là dân tỉnh vào TP.HCM sinh sống bằng nghề chạy xe ôm và chở hàng cho các tiệm vải. Tuy thu nhập không cao nhưng hằng tháng tôi cũng để dành được gần 2 triệu đồng dưỡng già. Để tiền trong người sợ bị mất, gửi vào ngân hàng lâu ngày tiền sẽ mất giá, mang ra đầu tư thì cũng chẳng biết đầu tư gì. Nghe tư vấn về BHXH tự nguyện tôi bất ngờ lắm, hóa ra NLĐ tự do hằng tháng bỏ ra vài trăm ngàn thì già cũng có lương hưu. Chắc chắn tôi sẽ tham gia” - ông Nguyễn Văn Thành, một người chạy xe ôm ở quận 3, TP.HCM, chia sẻ.
Các mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện
Theo Nghị định 134/2015 quy định từ năm 2016, có nhiều mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn.
Mức đóng thấp bằng 22% mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Ví dụ, mức đóng thấp nhất hiện nay là 700.000 đồng x 22% = 154.000 đồng/tháng và mức cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Hình thức đóng có định kỳ ba tháng, sáu tháng hoặc 12 tháng và đóng một lần không quá năm năm. Đối với người đã có thời gian tham gia trên 10 năm mà đủ tuổi nghỉ hưu, có nguyện vọng thì đóng một lần để hưởng chế độ hưu trí.
Người dân nếu muốn tham gia BHXH tự nguyện có thể liên hệ với bưu điện gần nhất để đăng ký.