Chat Zalo! Icon
Phương pháp hạch toán xuất hàng tiêu dùng nội bộ chi tiết
Việc hạch toán xuất hàng tiêu dùng nội bộ trong doanh nghiệp là một hoạt động phức tạp, liên quan đến nhiều quy định về thuế và kế toán. Trong bài viết này, TS24 sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu những khía cạnh quan trọng của quá trình này, từ khái niệm hàng tiêu dùng nội bộ đến các quy định thuế và việc xuất hóa đơn.


1. Hàng tiêu dùng nội bộ là gì?

Hàng tiêu dùng nội bộ đề cập đến việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ hoặc sản phẩm cho các hoạt động bên trong doanh nghiệp.

Phân loại:

  • Theo mục đích sử dụng:
    • Hàng tiêu dùng phục vụ cho sản xuất kinh doanh
    • Hàng tiêu dùng không phục vụ cho sản xuất kinh doanh
  • Theo phương thức sử dụng:
    • Tiêu dùng nội bộ: Sử dụng sản phẩm của các hoạt động sản xuất kinh doanh, ví dụ như máy tính để lắp đặt sử dụng trong công ty.
      Ví dụ: Doanh nghiệp sản xuất máy tính và sử dụng máy tính này cho các phòng ban trong công ty. Hoặc doanh nghiệp sản xuất nước uống và sử dụng nước đó cho các hội nghị nội bộ.

    • Luân chuyển nội bộ: Hàng hóa được sử dụng để tiếp tục sản xuất hoặc chuyển kho nội bộ giữa các bộ phận.
      Ví dụ: Nhà máy lắp ráp ô tô sử dụng lốp và ắc quy sản xuất nội bộ để lắp ráp xe hơi.


Khái niệm luân chuyển nội bộ thường được dùng để mô tả các hoạt động điều chuyển vật tư, sản phẩm, hàng hóa giữa các bộ phận trong cùng một doanh nghiệp nhằm phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Về mặt kế toán, có thể tham khảo Điều 8, Chương I trong Thông tư 200 quy định về Chế độ Kế toán doanh nghiệp.

–   Việc luân chuyển sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ giữa các bộ phận trong nội bộ doanh nghiệp thường tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm. Ví dụ, một doanh nghiệp có nhà máy dệt tại Hà Nam, sau khi dệt xong vải sẽ chuyển vải sang nhà máy may tại Hưng Yên. Đây là một quá trình luân chuyển nội bộ.

–   Tuy nhiên, cũng có trường hợp luân chuyển nội bộ không tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Ví dụ như việc điều chuyển hàng hóa giữa các kho tại các trung tâm điện máy của doanh nghiệp.

Lưu ý: Khi thực hiện việc luân chuyển nội bộ giữa các đơn vị trong doanh nghiệp, cần chú ý đến tổ chức bộ máy kế toán, phân cấp hạch toán và quản lý kinh tế giữa các đơn vị. Những yếu tố này không chỉ ảnh hưởng đến phương pháp kế toán hàng hóa nội bộ mà còn có tác động đến nghĩa vụ kê khai và nộp thuế liên quan phát sinh từ các giao dịch này.

2. Thuế GTGT và TNDN đối với hàng tiêu dùng nội bộ

2.1. Thuế GTGT
Thông tư 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 của Bộ Tài chính quy định:

“Điều 3. Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng như sau:

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 7 Thông tư số 219/2013/TT-BTC như sau:

“4. Giá tính thuế đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng nội bộ.

Hàng hóa luân chuyển nội bộ như hàng hóa được xuất để chuyển kho nội bộ, xuất vật tư, bán thành phẩm, để tiếp tục quá trình sản xuất trong một cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc hàng hóa, dịch vụ do cơ sở kinh doanh xuất hoặc cung ứng sử dụng phục vụ hoạt động kinh doanh thì không phải tính, nộp thuế GTGT.”

  • Ví dụ hàng tiêu dùng nội bộ sử dụng với mục đích phục vụ sản xuất kinh doanh:

    Ví dụ 1: Đơn vị A là doanh nghiệp sản xuất quạt điện, dùng 50 sản phẩm quạt lắp vào các phân xưởng sản xuất để phục vụ hoạt động kinh doanh của đơn vị thị đơn vị A không phải tính nộp thuế GTGT đối với hoạt động xuất 50 sản phẩm quạt điện này.

    Ví dụ 2: Cơ sở sản xuất hàng may mặc B có phân xưởng sợi và phân xưởng may. Cơ sở B xuất sợi thành phẩm từ phân xưởng sợi cho phân xưởng may để tiếp tục quá trình sản xuất thì cơ sở B không phải tính và nộp thuế GTGT đối với sợi xuất cho phân xưởng may.
  • Ví dụ hàng tiêu dùng nội bộ sử dụng không phục vụ sản xuất kinh doanh:

    Công ty Y là doanh nghiệp sản xuất nước uống đóng chai, giá chưa có thuế GTGT 1 chai nước đóng chai trên thị trường là 4.000 đồng. Công ty Y xuất ra 300 chai nước đóng chai với mục đích không phục vụ sản xuất kinh doanh (tặng cho người lao động) thì Công ty Y phải kê khai, tính thuế GTGT đối với 300 chai nước xuất dùng không phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh nêu trên với giá tính thuế là 4.000 x 300 = 1.200.000 đồng.”

Theo quy định này thì:

– Hàng tiêu dùng nội bộ sử dụng với mục đích phục vụ sản xuất kinh doanh thì không phải tính, nộp thuế GTGT.

– Hàng tiêu dùng nội bộ sử dụng với mục đích luân chuyển nội bộ phục vụ sản xuất kinh doanh thì không phải tính, nộp thuế GTGT.

– Hàng tiêu dùng nội bộ sử dụng không phục vụ sản xuất kinh doanh thì phải tính, nộp thuế GTGT.


2.2. Thuế TNDN
Thông tư 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 của Bộ Tài chính quy định:

“Điều 6. Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:

1. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 3 Điều 5 Thông tư số 78/2014/TT-BTC như sau:

“b) Đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để trao đổi (không bao gồm hàng hóa, dịch vụ sử dụng để tiếp tục quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp) được xác định theo giá bán của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương trên thị trường tại thời điểm trao đổi.

Ví dụ: Doanh nghiệp A có chức năng sản xuất phụ tùng ôtô và lắp ráp ôtô. Doanh nghiệp A dùng sản phẩm lốp ôtô do doanh nghiệp sản xuất để trưng bày, giới thiệu sản phẩm hoặc dùng lốp ôtô để tiếp tục lắp ráp thành ô tô hoàn chỉnh thì trong trường hợp này sản phẩm lốp ôtô của doanh nghiệp không phải quy đổi để tính vào doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ví dụ: Doanh nghiệp B là doanh nghiệp sản xuất máy tính. Trong năm doanh nghiệp B có xuất một số máy tính do chính doanh nghiệp sản xuất cho cán bộ công nhân viên để dùng làm việc tại doanh nghiệp thì các sản phẩm máy tính này không phải quy đổi để tính vào doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp”.

Như vậy, hàng hóa tiêu dùng nội bộ được sử dụng để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong nội bộ doanh nghiệp sẽ không được tính vào doanh thu chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).

Ngoài ra, cần lưu ý rằng theo hướng dẫn hạch toán trong Chế độ kế toán doanh nghiệp theo Thông tư 200, nếu doanh nghiệp dùng quỹ khen thưởng, phúc lợi để biếu tặng hàng hóa cho cán bộ công nhân viên, hoặc trả lương và thưởng cho nhân viên bằng sản phẩm, hàng hóa, thì kế toán phải ghi nhận doanh thu và giá vốn như khi thực hiện giao dịch bán hàng thông thường. Tương tự, trong các trường hợp tiêu dùng nội bộ không nhằm mục đích phục vụ sản xuất kinh doanh, kế toán phải ghi nhận doanh thu và thực hiện kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).


3. Quy định về xuất hóa đơn hàng tiêu dùng nội bộ

Căn cứ theo Điều 4, Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn chứng từ như sau:

Điều 4. Nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ

1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.

  • Trường hợp 1: Nếu hàng hóa được xuất ra để tiêu dùng nội bộ nhưng không phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cần lập hóa đơn giống như khi bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ thông thường (ví dụ: tặng quà hoặc trả lương bằng hàng hóa cho người lao động).

  • Trường hợp 2: Khi hàng hóa được xuất ra phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh nội bộ, thì doanh nghiệp không cần phải lập hóa đơn (ví dụ: xuất máy tính từ kho hàng để lắp đặt tại phòng kế toán).

  • Trường hợp 3: Khi xuất hàng để luân chuyển nội bộ giữa các bộ phận trong cùng một cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp không phải lập hóa đơn (ví dụ: nhà máy lắp ráp ô tô sử dụng lốp và ắc quy sản xuất trong cùng doanh nghiệp để lắp ráp ô tô – đây là quá trình luân chuyển nội bộ, do đó không cần lập hóa đơn khi xuất hàng).

Lưu ý: Giao dịch bán hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ giữa các đơn vị trực thuộc hạch toán phụ thuộc trong cùng một doanh nghiệp có thể được coi là giao dịch bán hàng nội bộ. Trong những trường hợp này, kế toán cần xác định chính xác đơn vị nào là đơn vị hạch toán phụ thuộc. Điều này dựa trên cách tổ chức bộ máy kế toán và phân cấp hạch toán, quản lý kinh tế tại các đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân độc lập. Việc lập hóa đơn và chứng từ luân chuyển nội bộ được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 về hóa đơn và chứng từ. Cách thức tổ chức hạch toán có thể tham khảo tại mục 4 của bài viết.

4. Hạch toán hàng tiêu dùng nội bộ

Hiện tại, các doanh nghiệp tại Việt Nam thực hiện hạch toán theo một trong hai Thông tư sau:

  • Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính về chế độ kế toán doanh nghiệp.
  • Thông tư 133/2016/TT-BTC ngày 26/8/2016 của Bộ Tài chính về chế độ kế toán cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

    Về hạch toán hàng tiêu dùng nội bộ theo các thông tư này:

    Trường hợp hàng hóa, sản phẩm xuất kho không phục vụ cho sản xuất kinh doanh: Kế toán phải lập hóa đơn, ghi nhận doanh thu và chi phí theo quy định. Cụ thể:
  • Ghi nhận giá vốn:

    Nợ TK 632 (Giá vốn hàng bán)
       Có TK 155 (Thành phẩm)
       Có TK 156 (Hàng hóa)
       Có TK 154 (Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang)
  • Ghi nhận doanh thu:

    Nợ TK 353 (Quỹ khen thưởng, phúc lợi)
    Nợ TK 334 (Tiền lương, thưởng trả cho người lao động bằng sản phẩm)
       Có TK 511 (Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ)
       Có TK 333 (Thuế GTGT phải nộp, nếu có)

    Trường hợp hàng hóa, sản phẩm xuất kho phục vụ cho sản xuất kinh doanh nội bộ hoặc cho các giai đoạn sản xuất tiếp theo: Kế toán sẽ ghi nhận:

    Nợ TK 621, 627, 241 hoặc TK 154 (Nếu hàng hóa phục vụ sản xuất)
    Nợ TK 641, 642 (Nếu hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh)
       Có TK 155, 156 hoặc 154
  • Đối với việc bán sản phẩm, hàng hóa giữa các đơn vị hạch toán phụ thuộc trong nội bộ doanh nghiệp (theo Điều 79 – Thông tư 200):

    Nếu không ghi nhận doanh thu nội bộ mà chỉ ghi nhận khi bán ra bên ngoài, kế toán sẽ xử lý như sau:
  • Tại đơn vị bán: Khi xuất sản phẩm hoặc dịch vụ đến đơn vị hạch toán phụ thuộc, lập phiếu xuất kho hoặc hóa đơn GTGT:

    Nợ TK 136 (Phải thu nội bộ)
       Có TK 155, 156 (Giá vốn)
       Có TK 333 (Thuế GTGT)

    Khi nhận thông báo từ đơn vị mua về việc bán sản phẩm ra bên ngoài:
    Phản ánh giá vốn hàng bán, ghi:
    Nợ TK 632 (Giá vốn hàng bán)
       Có TK 136 (Phải thu nội bộ)

    Phản ánh doanh thu, ghi:
    Nợ TK 136 (Phải thu nội bộ)
       Có TK 511 (Doanh thu)
  • Tại đơn vị mua: Khi nhận sản phẩm hoặc dịch vụ từ đơn vị bán, ghi:
    Nợ TK 155, 156 (Giá vốn)
    Nợ TK 133 (Thuế GTGT khấu trừ)
       Có TK 336 (Phải trả nội bộ)

    Khi bán sản phẩm ra ngoài, ghi nhận doanh thu và giá vốn như giao dịch bán hàng thông thường.

    Nếu đơn vị hạch toán phụ thuộc không được phân cấp hạch toán kết quả kinh doanh sau thuế:

    Kế toán sẽ kết chuyển giá vốn và doanh thu về cho đơn vị cấp trên:
    Kết chuyển giá vốn, ghi: 
    Nợ TK 336 (Phải trả nội bộ)
       Có TK 632 (Giá vốn)

    Kết chuyển doanh thu, ghi: 
    Nợ TK 511 (Doanh thu)
       Có TK 336 (Phải trả nội bộ)

    Nếu doanh nghiệp ghi nhận doanh thu bán hàng nội bộ:

    Nợ TK 136 (Phải thu nội bộ)
       Có TK 511 (Doanh thu bán hàng)
       Có TK 333 (Thuế)

    Ghi nhận giá vốn như bán hàng thông thường.

    Lưu ý: Việc xác định phương pháp hạch toán cần căn cứ vào cơ cấu tổ chức kế toán và phân cấp quản lý giữa các đơn vị. Điều này phải tuân theo các quy định của pháp luật, trong đó có Khoản 2, Điều 8, Thông tư 200/2014 về quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với đơn vị hạch toán phụ thuộc không có tư cách pháp nhân.

    “ 2b) Đối với các giao dịch mua, bán, điều chuyển sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nội bộ: Doanh thu, giá vốn chỉ được ghi nhận riêng tại từng đơn vị hạch toán phụ thuộc nếu sự luân chuyển sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ giữa các khâu trong nội bộ về bản chất tạo ra giá trị gia tăng trong sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Việc ghi nhận doanh thu từ các giao dịch nội bộ để trình bày trên Báo cáo tài chính của các đơn vị không phụ thuộc vào hình thức của chứng từ kế toán (hóa đơn hay chứng từ luân chuyển nội bộ);

    2c) Việc phân cấp kế toán tại đơn vị hạch toán phụ thuộc: Tùy thuộc mô hình tổ chức kế toán tập trung hay phân tán, doanh nghiệp có thể giao đơn vị hạch toán phụ thuộc phản ánh đến lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hoặc chỉ phản ánh đến doanh thu, chi phí.”

-------------------------
CÔNG TY CỔ PHẦN TS24
🌐 Website: https://web.ts24.com.vn
☎️ Hotline CSKH: (028)-3866-4188 (Nhấn phím 1)
☎️ Hotline hỗ trợ: 1900 6154
✉️ Email: sales@ts24.com.vn

Cập nhật phụ lục giảm thuế GTGT 2024 trên T-VAN TaxOnline theo Nghị quyết 142