Chat Zalo! Icon
Vai trò của người quản lý nhân sự đối với các doanh nghiệp
16 December, 2019 by
Nguyễn Hoài Nguyên Hậu

Việc quản lý nguồn nhân lực bắt nguồn từ việc dẫn dắt các hoạt động và mục tiêu làm việc. Người làm công việc quản lý nhân sự sẽ chịu trách nhiệm phát triển các quy trình và hỗ trợ nhằm giúp các tổ chức, doanh nghiệp đạt được mục tiêu kinh doanh. Bên cạnh đó, người quản lý nhân sự còn có nhiệm vụ thu hút và giữ chân các nhân viên đạt tiêu chuẩn cũng như sắp xếp công việc phù hợp với khả năng của họ. Điều này vô cùng quan trọng với bất kỳ công ty, doanh nghiệp nào.


Vai trò của quản trị nhân sự

Vai trò của “quản trị nhân sự” là quản lý, duy trì và phát huy tối đa sức mạnh của nguồn lực nhân sự, một nguồn lực quan trọng trong mỗi tổ chức/ doanh nghiệp. Quản trị và phát triển nguồn nhân lực chính là quá trình hoạt động nhằm thỏa mãn nhu cầu của cả doanh nghiệp/tổ chức và cả của người lao động.

Một ví dụ rất dễ nhận thấy trong thực tế về vai trò của quản trị nhân sự là khi người làm nhân sự tìm được đúng người cho đúng việc, vào đúng thời điểm (right person for right job at right time) thì cả doanh nghiệp/tổ chức và người lao động đều có lợi.

Ở Việt Nam, ngành nhân sự vẫn còn khá mới mẻ và không nhiều người đánh giá được đúng tầm quan trọng của hoạt động quản trị và phát triển nguồn nhân lực như đúng bản chất của nó là hoạt động liên quan đến mọi hoạt động quản trị khác, có ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa tổ chức/doanh nghiệp với người lao động.

Bài toán về những người trẻ tài năng

Cách đây hơn nửa thập kỷ, thế hệ millennials (sinh từ cuối 1980s đến 1990s) chính thức tham gia vào thị trường lao động, tạo ra nguồn nhân sự chất lượng cao nhờ việc được tiếp thu tri thức quốc tế và phát triển trong thời kỳ hội nhập.

Đối diện với các ứng viên không chỉ giỏi chuyên ngành, thành thạo ít nhất một ngoại ngữ, hiểu biết đa lĩnh vực mà còn sở hữu tư duy sáng và cá tính mạnh, việc cầm cân nảy mực của những nhà Quản lý Nhân lực càng trở nên thách thức hơn.

Hẳn nhiên, khi thị trường lao động xuất hiện nhiều nhân tố sáng thì việc chọn được người phù hợp nhất lại là bài toán khó giải. Nhà Quản lý Nhân lực theo đó trở thành nhân tố được săn đón vì là người quyết định tương lai dựa trên nền tảng con người. “Việt Nam với vị thế là một trong những quốc gia mới nổi năng động nhất khu vực Đông Nam Á cần đội ngũ nhân lực nhanh nhẹn, thông thạo nhiều mảng nhằm duy trì tính cạnh tranh”, Phó giáo sư Mathews Nkhoma, Trưởng khoa Kinh doanh và Quản trị tại RMIT Việt Nam chia sẻ với Thanh Niên, “Do lực lượng lao động tại Việt Nam ngày càng gia tăng về số lượng, nhu cầu về chuyên gia nhân sự cũng tăng cao”.

Số liệu thống kê của Career Builder cũng cho thấy sự chuyển biến lớn khi lượng việc làm liên quan đến ngành nhân sự tăng mạnh từ con số 2680 năm 2016 lên gấp đôi 5899 năm 2017 và vẫn tiếp tục tăng - một minh chứng cho nhận định của giáo sư Nkhoma.

Sự thú vị của một ngành việc tưởng như nhàn rỗi

Quản lý Nhân lực giờ đây được nhiều doanh nghiệp đặt kỳ vọng để giải quyết các bài toán chốn công sở. Có thể ví ngành này như một chiếc dù to bao gồm nhiều mảng khác nhau như: hành chính, tuyển dụng, đào tạo, tiền lương, bảo hiểm,… Vì thế, công việc này không dừng lại ở việc đánh giá tiềm năng nhân sự mà còn làm cách nào để phát triển năng lực tập thể, xây dựng chính sách pháp lí nhân sự, đồng thời khiến nhân viên cảm thấy thoả mãn trong môi trường làm việc.

Cũng bởi thế mà ngành Nhân sự ngày nay năng động và truyền cảm hứng hơn với sự ra đời của nhiều lĩnh vực mới thu hút sự chú ý từ thế hệ trẻ như: Thu hút nhân tài (Talent Acquisition), Con người & Văn hóa (People & Culture), Quan hệ lao động (Employee Relations),…

Vì lẽ đó, để làm tốt công việc của mình, những người làm Quản trị nguồn nhân lực giờ đây phải có vốn hiểu biết sâu rộng không chỉ về lý tính mà còn cảm tính. Điều này khiến ngành trở nên hết sức thú vị trong mắt nhiều người trẻ, bởi nó tạo cho họ cảm giác được là chính mình, phải rất am tường để tìm ra những viên ngọc quý.

Số liệu nghiên cứu của RMIT Vietnam cũng chỉ ra rằng có đến 71% phụ huynh cho rằng nhân sự là một trong những ngành tốt cho con và 42% cha mẹ có nền tảng nhân sự khuyến khích con tiếp nối ngành việc đầy hứa hẹn này.

Theo: HRVN