Trước nhiều ý kiến thắc mắc về việc áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT), Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết, tại Luật Quản lý thuế số 38 cũng có nội dung về HĐĐT, chứng từ điện tử. Do đó, Bộ Tài chính sẽ xây dựng một nghị định mới trình Chính phủ để thay thế nghị định về HĐĐT hiện hành.
Không có quy định riêng về định dạng HĐĐT lưu trữ
Tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp về chính sách thuế, hải quan năm 2019 diễn ra mới đây, Công ty TNHH Panasonic Việt Nam có hỏi hiện nay công ty đang sử dụng HĐĐT từ tháng 9/2016. Gần đây Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế có hướng dẫn định dạng chuẩn dữ liệu của HĐĐT khi bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, chưa thấy có hướng dẫn việc định dạng HĐĐT khi lưu trữ phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra. Vì thế công ty đang lúng túng, không biết hướng dẫn nhân viên kế toán lưu trữ HĐĐT như thế nào?
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Thế Mạnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, theo các quy định của pháp luật về thuế đang có hiệu lực thi hành, thì không có quy định định dạng về HĐĐT lưu giữ phục vụ cho công tác thanh tra. Việc lưu trữ HĐĐT là phục vụ chung cho công tác quản lý thuế nói chung, chứ không phải phục vụ riêng cho công tác thanh tra, kiểm tra về hóa đơn.
Lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng nói thêm, việc lưu trữ HĐĐT hiện nay đang thực hiện theo quy định tại Điều 11, Thông tư số 32/2011/TT-BTC; Điều 11, Nghị định 119/2018/NĐ-CP về HĐĐT của Chính phủ; Điều 5, Thông tư 68/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính đã hướng dẫn rất rõ về nội dung này.
Về thời điểm chuyển đổi từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử, ông Mạnh cho biết, theo Thông tư 32/2011/TT-BTC, người bán hàng hóa được chuyển đổi HĐĐT sang hóa đơn giấy để chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa hữu hình trong quá trình lưu thông. Việc chuyển đối HĐĐT sang hóa đơn giấy chỉ được chuyển đổi một lần.
Đại diện một doanh nghiệp hỏi về chính sách thuế tại hội nghị đối thoại năm 2019
“Việc chuyển đổi HĐĐT sang hóa đơn giấy đề chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định, phải có chữ ký của người đại diện theo pháp luật của người bán và có đóng dấu của người bán” - ông Mạnh nói.
Cũng liên quan đến việc áp dụng HĐĐT, Công ty CP nước sạch số 2 Hà Nội cũng cho biết, hiện doanh nghiệp này đang sử dụng HĐĐT, trong quá trình sản xuất kinh doanh, khi bán hàng hóa, ngày lập hóa đơn thường là trước ngày ký hóa đơn. Công ty này thắc mắc sẽ kê khai và nộp thuế như thế nào?
Ông Nguyễn Thế Mạnh cho biết, theo Thông tư số 32/2011/TT-BTC và Thông tư số 39/2014/TT-BTC, thì việc lập HĐĐT phải thiết lập đầy đủ các thông tin theo quy định, trong đó có nội dung HĐĐT phải có chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật của người bán về ngày, tháng, năm lập và gửi HĐĐT.
Thông tư 68 cũng hướng dẫn rất rõ tiêu thức ngày, tháng, năm lập hóa đơn; ngày lập hóa đơn đối với hoạt động cung ứng dịch vụ là ngày hoàn thành việc cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền, hay chưa thu được tiền. “Việc lập HĐĐT phải đảm bảo các nội dung bắt buộc là ngày, tháng và chữ ký điện tử trên hóa đơn đó. Khi hóa đơn đã lập đầy đủ các nội dung trên, thì đơn vị tiến hành kê khai thuế theo quy định” - ông Mạnh nói.
Sẽ xây dựng nghị định mới thay thế Nghị định 119
Cũng tại hội nghị đối thoại, một số ý kiến cũng băn khoăn về thời điểm bắt buộc áp dụng HĐĐT. Trước ý kiến này, ông Lưu Đức Huy - Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết, trong thời gian từ 1/11/2018 đến 31/10/2020 nếu cơ quan thuế thông báo cơ sở kinh doanh chuyển đổi để áp dụng HĐĐT theo Nghị định 119 và Thông tư 68, nhưng nếu cơ sở kinh doanh chưa đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin và tiếp tục sử dụng hóa đơn giấy thì phải gửi dữ liệu hóa đơn đến cơ quan thuế cùng với việc nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng.
“Căn cứ vào dữ liệu này, cơ quan thuế xây dựng dữ liệu hóa đơn của các cơ sở sản xuất kinh doanh để đưa vào cơ sở dữ liệu hóa đơn và đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để phục vụ việc tra cứu dữ liệu hóa đơn” - ông Huy nói.
Đối với tổ chức sự nghiệp công lập (cơ sở giáo dục công lập, cơ sở y tế công lập) đã sử dụng phiếu thu tiền thì tiếp tục sử dụng. Trường hợp cơ quan thuế thông báo chuyển đổi sang HĐĐT có mã của cơ quan thuế, đến cơ sở công nghệ thông tin chưa đáp ứng thì vẫn sử dụng hóa đơn kiêm phiếu thu tiền.
Nếu đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện áp dụng HĐĐT, thì thực hiện đăng ký sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế, hoặc HĐĐT không có mã của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 8, Điều 13 Thông tư 68/2019/TT-BTC.
Trước nhiều ý kiến của các doanh nghiệp về HĐĐT, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, Nghị định 119 đã ban hành, có hiệu lực từ 1/11/2020. Để hướng dẫn chi tiết về HĐĐT, mới đây Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 68/2019/TT-BTC hướng dẫn chi tiết về Nghị định 119.
Tuy nhiên, Luật Quản lý thuế số 38 vừa được Quốc hội ban hành cũng một số nội dung mới về HĐĐT và chứng từ điện tử. Theo đó, Quốc hội đã giao cho Chính phủ có hướng dẫn chi tiết hơn về chứng từ điện tử và HĐĐT.
“Như vậy, Bộ Tài chính sẽ phải xây dựng một nghị định trình Chính phủ để thay thế Nghị định 119. Những nội dung của Thông tư số 68 mang tính chất quy định về thủ tục hành chính sẽ nâng lên cấp nghị định để hướng dẫn cụ thể, trong đó có quy định thực hiện HĐĐT trong một số trường hợp đặc biệt như: thanh toán tiền điện, tiền nước thì lập hóa đơn, chứng từ điện tử như thế nào, cách kê khai và nộp thuế như thế nào cho phù hợp” - Thứ trưởng Trần Xuân Hà nói./.