Chat Zalo! Icon
Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng bảy tháng đầu năm, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) kịp thời tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nỗ lực này bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với đại dịch theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ...

Ứng phó với dịch bệnh, bảo đảm quyền lợi người thụ hưởng...

 Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến ngày 31-7, toàn ngành BHXH giải quyết 70.878 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng; 539.118 người hưởng các chế độ trợ cấp một lần (trong đó 475.577 người nghỉ việc hưởng BHXH một lần); 5.393.768 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; 580.634 người hưởng chế độ BH thất nghiệp. Thanh toán chi phí khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) cho hơn 92,490 triệu lượt người KCB nội trú và ngoại trú…

 

 Để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 cho người thụ hưởng, cơ quan BHXH phối hợp chặt chẽ bưu điện thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 4 và tháng 5-2020 vào cùng một kỳ chi trả và tổ chức chi trả tại nhà cho người hưởng nhận bằng tiền mặt. Trước tình hình dịch Covid-19 vừa bùng phát trở lại, BHXH Việt Nam kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương có nguy cơ cao thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 8 và tháng 9-2020 vào cùng một kỳ chi trả và hiện đã được nhiều địa phương tổ chức thực hiện.

 Theo báo cáo của BHXH các địa phương, đến ngày 30-6, số đơn vị nộp hồ sơ được phê duyệt tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất do ảnh hưởng dịch Covid-19 là 1.519 đơn vị, tương ứng 130.794 lao động với số tiền khoảng 475 tỷ đồng. BHXH Việt Nam xây dựng dự thảo văn bản hướng dẫn tiếp tục tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19 đến hết tháng 12-2020, gửi xin ý kiến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tiếp tục triển khai thực hiện. BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp với các sở, ngành liên quan, tuyên truyền, giải thích, ngăn chặn tình trạng một số đối tượng (ở một số địa phương) tranh thủ dịch Covid-19 trục lợi thu gom, mua bán sổ BHXH của người lao động bị ngừng việc...

 Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, BHXH Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn trong tổ chức, thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của ngành. Việc triển khai chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp... đang chịu ảnh hưởng, nhất là công tác thu và phát triển đối tượng. Trưởng Ban Thu (BHXH Việt Nam) Dương Văn Hào cho biết, tính đến hết tháng 7, số người tham gia BHXH cả nước là 15,27 triệu người, đạt tỷ lệ khoảng 31% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, thấp hơn 2,5% so với chỉ tiêu phấn đấu tại Nghị quyết số 01/2020/NQ-CP của Chính phủ (33,5%). Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc, BHYT và BH thất nghiệp đều giảm so với năm 2019; có đến 27 tỉnh, thành phố vẫn chưa đạt được các chỉ tiêu giao… Diễn biến phức tạp của dịch chắc chắn sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến công tác thu và phát triển đối tượng. Theo Trưởng Ban Thu, Dương Văn Hào, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các ngành nghề giày da, du lịch, khách sạn… khiến những ngành này sẽ cắt giảm lao động và ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thu, phát triển đối tượng. Ngoài ra, hiện nay một số tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội, vì vậy cũng sẽ ảnh hưởng tới công tác này.


 Bên cạnh đó, tại các địa phương, tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT vẫn còn phổ biến. Tỷ lệ nợ còn cao, trong đó nợ do ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng có xu hướng tăng. Theo thống kê, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 20.682 tỷ đồng, chiếm 5,1% số phải thu, tỷ lệ nợ/số phải thu tăng 0,3% so với tỷ lệ nợ/số phải thu cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, việc xử lý nợ đối với doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn… vẫn chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

 Tăng cường các giải pháp, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ

 Tại hội nghị trực tuyến giao ban toàn ngành tháng 8, Giám đốc BHXH một số tỉnh, thành phố đã chia sẻ và phân tích kỹ hơn tình hình thực tế với nhiều khó khăn trong công tác phát triển đối tượng, tăng thu, giảm nợ đọng của địa phương… Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị trong toàn ngành, để triển khai đa dạng các giải pháp, năng động, sáng tạo, hoàn thành các mặt công tác trong bối cảnh nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh. Tuy nhiên, do tác động từ dịch Covid-19, nên việc thực hiện hoàn thành nhiệm vụ trong 5 tháng cuối năm của ngành sẽ hết sức nặng nề, BHXH các địa phương cần chủ động đưa ra nhiều giải pháp linh hoạt theo từng thời kỳ. Cần thực hiện phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ kết quả.

 Theo đó, để công tác phát triển người tham gia BHXH hiệu quả, các địa phương cần tập trung rà soát, chuẩn hóa số liệu nhóm ưu tiên chưa tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Đối với nhóm tham gia BHXH bắt buộc, cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành Thuế để xác định những doanh nghiệp, người lao động đang hoạt động nhưng không tham gia BHXH. Đồng thời, lưu ý về những nhóm tiềm năng hiện nay vẫn chưa tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho rằng, cần phải phân nhóm rõ ràng từng địa phương để đưa ra phương án tuyên truyền phù hợp, vấn đề này, các địa phương cần có báo cáo tổng hợp trước ngày 30-8. Các địa phương cần phối hợp với các đại lý tổ chức tuyên truyền hiệu quả theo chiều sâu, bền vững. Đồng thời, ngành cần tăng cường kiểm soát chi phí KCB BHYT đối với những cơ sở y tế có cảnh báo từ Hệ thống thông tin giám định, kịp thời xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Tập trung thanh tra, kiểm tra đối với những doanh nghiệp chưa đóng BHXH; kịp thời phát hiện các đơn vị trốn đóng BHXH. Đồng thời, Trung tâm công nghệ thông tin cần tiếp tục xây dựng, rà soát, nâng cấp các phần mềm nghiệp vụ nhằm cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; liên thông, kết nối dữ liệu để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.

Gửi hóa đơn điện tử cho khách hàng bằng cách nào?