Việc thay đổi phương thức quản lý bằng việc áp dụng quản lý rủi ro để rút ngắn thời gian thông quan đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt trong thời gian qua. Cơ quan Hải quan và nhiều bộ, ngành đã tích cực triển khai mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp trong quá trình thông quan hàng hóa.
Chuyển biến từ chính sách
Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, thời gian qua công tác kiểm tra chuyên ngành (KTCN) cũng đã có nhiều cải cách đáng kể, trong đó nhiều văn bản pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng kiểm tra dựa trên nguyên tắc quản lý rủi ro như: Phương thức và mức độ kiểm tra dựa trên việc đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của DN; chuyển nhiều mặt hàng từ kiểm tra trước thông quan sang thực hiện kiểm tra sau khi hàng hóa đã được thông quan, cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra; quy định DN tự chịu trách nhiệm về chất lượng của hàng hóa XNK.
Thực tế, đã có một số bộ quản lý chuyên ngành cắt giảm hơn 50% danh mục hàng hóa phải KTCN trước thông quan, một số quy định về thủ tục hành chính tại khâu thông quan được bãi bỏ. Có thể kể đến một số văn bản như: Thông tư số 14/2018/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục cắt giảm một số mặt hàng phải kiểm tra trước thông quan; Thông tư số 10/2017/TT-BXD của Bộ Xây dựng chuyển việc chứng nhận hợp quy hàng hóa là vật liệu xây dựng sang sau thông quan; Quyết định số 3842/QĐ-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ đã cắt giảm hơn 90% mặt hàng phải kiểm tra chất lượng trước khi thông quan; Thông tư số 08/2019/TT-BCA của Bộ Công an ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa không phải thực hiện kiểm tra trước thông quan.
Ngoài ra, việc thay đổi phương thức kiểm tra cũng tác động đáng kể tới số lượng lô hàng phải KTCN trước thông quan như: Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP, trong đó đã đổi mới phương thức quản lý nhà nước dựa trên đánh giá mức độ rủi ro của hàng hóa, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng đối với hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu được thực hiện thông qua việc xem xét hoạt động công bố hợp quy của người nhập khẩu.
Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật An toàn thực phẩm quy định các phương thức kiểm tra phù hợp theo mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp về KTCN (an toàn thực phẩm), bổ sung thêm nhiều đối tượng được miễn kiểm tra... Theo đó, cắt giảm 95% lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra nhà nước về ATTP.
Định hướng mới trong KTCN tại cửa khẩu
Đáng chú ý, ngày 14/11/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 85/2019/NĐ-CP quy đinh thực hiện thủ tục hành chính theo Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK. Theo đó, Nghị định quy định chi tiết việc áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật chuyên ngành của tổ chức, cá nhân trong KTCN nhằm bảo đảm hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước và tạo thuận lợi cho hoạt động XNK.
Đặc biệt, nguyên tắc kiểm tra chuyên ngành được quy định rất chi tiết: Chỉ những hàng hóa thuộc một trong các khả năng gây mất an toàn cao, gây lây lan dịch bệnh, gây nguy hại cho sức khỏe, tính mạng con người, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, nguy hại cho kinh tế, cho an ninh quốc gia mới được đưa vào Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải KTCN trước thông quan.
Tổng cục Hải quan cho biết, trên cơ sở quy định tại Nghị định 85/2019/NĐ-CP, đơn vị sẽ tham mưu Bộ Tài chính để đôn đốc các bộ, ngành rà soát lĩnh vực KTCN theo phân công và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan do các bộ chủ trì ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đảm bảo theo đúng nguyên tắc KTCN đối với hàng hóa XNK, quá cảnh quy định tại Nghị định 85/2019/NĐ-CP.
Trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ rà soát để báo cáo Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết đinh số 1254/QĐ-TTg, trong đó tiếp tục giao các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung, các văn bản pháp luật về KTCN theo hướng áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong công tác KTCN đối với hàng hóa XNK.
Một trong những điểm mới đáng chú ý là Tổng cục Hải quan đang triển khai xây dựng Đề án cải cách KTCN theo hướng cơ quan Hải quan là đầu mối thực hiện KTCN tại cửa khẩu (trừ các mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch…), bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm. Đây sẽ là hướng đi mới nhằm cải cách kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 99/NQ-CP. Dự kiến, đề án này sẽ được trình Chính phủ trong quý I/2020.
Không chỉ trong lĩnh vực KTCN, nhiều năm qua, Tổng cục Hải quan đã và đang triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, biện pháp nhằm điện tử hóa các khâu thủ tục, giảm bớt thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, giúp DN rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ hải quan và DN.
Trong đó, công tác quản lý rủi ro ngày càng được chú trọng, mở rộng về phạm vi và chuyên sâu về nội dung, kỹ thuật nghiệp vụ, áp dụng trong các lĩnh vực nghiệp vụ hải quan. Đặc biệt, việc áp dụng quản lý rủi ro trong công tác phân luồng tờ khai đã đạt được kết quả đáng kể, trong đó tỉ lệ phân luồng kiểm tra thực tế hàng hóa giảm còn 5% trong 6 tháng đầu năm 2019, việc phân luồng kiểm tra căn cứ kết quả đánh giá tuân thủ phảp luật của DN và phân loại mức độ rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan.
Mới đây, ngày 15/11/2019, Tổng cục Hải quan đã tham mưu Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 81/2019/TT-BTC quy định quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan để công khai bộ tiêu chí đánh giá tuân thủ pháp luật, trong đó đã quy định cụ thể việc áp dụng rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan đối với người khai hải quan, cơ quan Hải quan, công chức hải quan, các cơ quan nhà nước trong việc phối hợp quản lý nhà nước về hải quan; các tổ chức cá nhân có liên quan đến hoạt động XNK, quá cảnh hàng hóa, XNC, quá cảnh phương tiện vận tải.