Chat Zalo! Icon
Những chuyển biến tích cực trong triển khai thực hiện chính sách BHYT

Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 07/9/2009 của Ban Bí thư (khóa X) về đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới đã xác định rõ, BHYT là một chính sách xã hội quan trọng, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc, được Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng và luôn luôn đề cao trong hệ thống chính sách an sinh xã hội. Qua 10 năm triển khai Chỉ thị số 38-CT/TW việc thực hiện chính sách BHYT tại địa phương đã có chuyển biến tích cực.
 


Tuyên truyền, tư vấn chính sách BHYT hộ gia đình (ảnh minh họa)


Tiền Giang: Chỉ đạo tập trung các giải pháp phát triển số người tham gia BHYT


Trong 10 năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã chú trọng công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia BHYT. Công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện từng thời điểm, hầu hết chính quyền các cấp đã chỉ đạo tập trung các giải pháp phát triển số người tham gia BHYT. Các cơ quan chức năng luôn chủ động phối hợp kiểm tra việc chấp hành pháp luật BHYT tại các doanh nghiệp sử dụng lao động tham gia BHXH, BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 38, nhiều chế độ, chính sách về BHYT đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng có lợi cho các đối tượng tham gia, góp phần thu hút người dân tham gia ngày càng nhiều. Cụ thể, năm 2009 có 646.783 người tham gia BHYT, đạt 39% dân số có thẻ BHYT; đến năm 2018 có 1.470.696 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 83,0% so với số dân của tỉnh (dân số năm 2018 là 1.772.076 người), vượt 1,7% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao theo Quyết định số 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.


Đạt được kết quả trên là nhờ việc triển khai, quán triệt và tuyên truyền các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong các chỉ thị, nghị quyết về BHYT cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân được thực hiện chặt chẽ, thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Hệ thống báo cáo viên và tuyên truyền viên các cấp được quán triệt sâu sắc tinh thần, trách nhiệm chuyển tải kịp thời nội dung của nghị quyết về chính sách BHYT, trong đó nhấn mạnh việc thực hiện BHYT là góp phần ổn định an sinh xã hội, chia sẻ khó khăn trong cộng đồng, qua đó, nâng cao nhận thức trong nhân dân cùng tham gia thực hiện và hưởng thụ các chế độ, chính sách BHYT. Các chính sách BHYT ngày càng đi vào đời sống nhân dân. Nhờ áp dụng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, có chiều sâu, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương đã làm chuyển biến tích cực nhận thức về BHYT của các cấp, các ngành, đơn vị sử dụng lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh; số đối tượng tham gia BHYT không ngừng được mở rộng, phát triển, số người tham gia BHYT năm sau cao hơn năm trước. Quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng tăng lên, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, nhằm tiến tới mục tiêu thực hiện BHYT toàn dân.


Ngoài ra, BHXH tỉnh phối hợp với Sở Y tế và các tổ chức chính trị - xã hội ký kết nhiều kế hoạch liên tịch nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách pháp luật, văn bản mới về BHYT đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên các đoàn thể, các tổ chức, đơn vị sử dụng lao động, người lao động và nhân dân; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng đối tượng. Ban Tuyên giáo các cấp thực hiện công tác tuyên truyền thông qua hệ thống báo cáo viên, hội nghị giao ban, đăng tin hàng tháng trên trang thông tin nội bộ, bản tin thời sự, trang điện tử… được thực hiện có hiệu quả.


Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa cơ quan BHXH với Bưu điện trong việc tuyên tuyền, thông tin về thu BHYT như tổ chức đại lý thu theo từng huyện, xã, phường, ấp; mở rộng đại lý thu tại các bưu cục, các đoàn thể cơ sở, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tham gia BHYT; các tuyên truyền viên là lực lượng nhân viên đại lý BHYT đã tham gia tích cực tuyên truyền các chính sách BHYT đến từng hộ gia đình, vận động từng đối tượng tham gia, toàn tỉnh có 1.078 nhân viên đại lý thu hoạt động tại 173 xã, phường, thị trấn.


Từ năm 2009 đến nay, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp thực hiện chính sách BHYT, hàng năm giao chỉ tiêu bao phủ BHYT đến các huyện, thành phố, thị xã; đồng thời đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Hàng năm, UBND tỉnh ban hành các quyết định hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh từ nguồn ngân sách của địa phương; hỗ trợ thêm 30% - 70% mệnh giá mua thẻ BHYT cho người cận nghèo, mua thẻ BHYT cho học sinh, sinh viên, cho các hộ nông, ngư nghiệp có mức sống trung bình; các sở, ngành liên quan tăng cường phối hợp trong chỉ đạo thực hiện chính sách BHYT. Các quy định về khám, chữa bệnh BHYT ở các tuyến được thực hiện nghiêm túc, tất cả các đối tượng tham gia BHYT được đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu dựa trên điều kiện thực tế về tổ chức hệ thống y tế tại địa phương, phạm vi chuyên môn, cơ sở vật chất và nhân lực của mỗi cơ sở y tế trên địa bàn.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở y tế, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của đội ngũ làm công tác y tế có chuyển biến tích cực qua từng giai đoạn đối với công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Các chính sách, quy định có liên quan đến BHYT được triển khai thực hiện đầy đủ, chặt chẽ; công tác quản lý và sử dụng quỹ BHYT đúng quy định; thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh nhanh, hiệu quả, giảm phiền hà cho nhân dân. Chất lượng khám, chữa bệnh BHYT từng bước được nâng lên, đảm bảo đầy đủ quyền lợi, kịp thời cho người dân, đáp ứng được sự hài lòng của người bệnh; người dân từng bước nhận thức được quyền lợi khi tham gia BHYT, được chăm sóc, điều trị sức khỏe ban đầu tốt hơn.
Sóc Trăng: Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 98,52% so với dân số toàn tỉnh


Thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Ðẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới” góp phần bảo đảm an sinh xã hội và công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong 10 năm qua, trên cở sở lãnh đạo của Tỉnh ủy và các ngành chuyên môn, công tác BHYT của tỉnh Sóc Trăng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.


Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về bảo hiểm y tế tiếp tục được nâng lên. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật và vận động người dân tham gia BHYT được triển khai thực hiện tích cực và đạt kết quả quan trọng. Đối tượng tham gia BHYT ngày càng được mở rộng, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đều tăng qua các năm, cụ thể như: Năm 2009 có 285.324 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ là 45,2% so với dân số toàn tỉnh, đến cuối năm 2018 có 1.327.521 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ là 98,52% so với dân số toàn tỉnh, tăng 53,32% so với thời điểm trước khi có Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư khoá X, vượt 7,52% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg, ngày 28/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện bảo hiểm y tế giai đoạn 2016-2020.


Hiệu quả quản lý nhà nước về BHYT được tăng cường; tính đến nay toàn tỉnh Sóc Trăng có 134 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT (có 4 cơ sở y tế tư nhân); thực hiện có hiệu quả công tác ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý, nhất là hệ thống Cổng thông tin giám định BHYT đã kết nối với 134 cơ sở y tế trong toàn tỉnh, góp phần đưa dữ liệu thông tin khám, chữa bệnh lên hệ thống một cách công khai, minh bạch; công tác quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế tiếp tục phát huy hiệu quả; việc giải quyết chính sách và chi trả các chế độ bảo hiểm y tế cho người tham gia bảo đảm đúng, đủ, kịp thời; thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm y tế được cải cách thường xuyên, thời gian cấp phát thẻ, giải quyết các chế độ bảo hiểm y tế được rút ngắn, tạo điều kiện thuận lợi cho người thụ hưởng. Tổ chức bộ máy bảo hiểm y tế được kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động.


Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, giáo dục pháp luật về BHYT được quan tâm; tổ chức tuyên truyền trực tiếp chính sách BHYT và BHYT hộ gia đình cho trên 9.000 lượt đại biểu là lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến xã, công chức, viên chức ngành BHXH; trên 1.139 lượt đại biểu là lãnh đạo các trường học, doanh nghiệp trong tỉnh; 7.000 lượt đại biểu là chủ doanh nghiệp và người lao động; phối hợp với ban nhân dân các ấp, khóm, các điểm thu, đại lý thu BHYT tổ chức đến các hộ gia đình chưa tham gia BHYT để tuyên truyền, vận động; đồng thời, tạo điều kiện cho người dân đăng ký tham gia BHYT trực tiếp tại nhà nếu có nhu cầu. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT được tăng cường; việc tạm ứng và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT được thực hiện kịp thời, đúng quy định; công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách BHYT được coi trọng. Ngành BHXH chủ động tham mưu, triển khai thực hiện tốt các chế độ, chính sách về BHYT.


Thái Bình: Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới


Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) “về đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới”, nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về BHYT được nâng lên rõ rệt. Số người tham gia BHYT hằng năm tăng, đối tượng tham gia được mở rộng. Công tác quản lý nhà nước về BHYT được tăng cường, chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng được cải thiện đã góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, ổn định tình hình an ninh chính trị và phát triển kinh tế - xã hội.


Xác định đẩy mạnh công tác BHYT là nhiệm vụ quan trọng, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng, các cơ quan, đơn vị, các ngành có liên quan xây dựng kế hoạch học tập, triển khai thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng địa phương, đơn vị. Các cấp, các ngành, đã tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia BHXH, BHYT; chú trọng các đối tượng là nông dân, học sinh, sinh viên, các tổ chức, cá nhân sử dụng lao động, các doanh nghiệp tư nhân.


Đến nay, sau 10 năm thực hiện nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với công tác BHYT có những chuyển biến tích cực; quyền lợi của người tham gia BHYT được bảo đảm theo quy định của pháp luật; các cơ sở khám, chữa bệnh bằng BHYT từng bước nâng cao, chất lượng phục vụ khám, chữa bệnh cơ bản đáp ứng yêu cầu của bệnh nhân.


Với mục tiêu BHYT cho toàn dân, lộ trình mở rộng và phát triển đối tượng tham gia BHYT được quan tâm xây dựng và thực hiện, có sự phối họp chặt chẽ của các ban, ngành liên quan. Cùng với BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, đối tượng tham gia BHYT ngày càng được phát triển và mở rộng trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân. Năm 2009, có 954.709 người tham gia BHYT, chiếm 53,5% dân số, đến hết tháng 12 năm 2018 toàn tỉnh có 1.563.538 người tham gia BHYT, chiếm 87,2% dân số.


Các cơ sở khám chữa bệnh đã tổ chức thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh BHYT, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của người bệnh. Hiện nay toàn tỉnh có 306 cơ sở khám chữa bệnh BHYT, trong đó có 296 cơ sở y tế nhà nước và 10 cơ sở y tế tư nhân, đảm bảo đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh BHYT của người dân. Năm 2009 có 2.051.878 lượt người khám, chữa bệnh, năm 2018 có 2.552.058 lượt người khám, chữa bệnh.
Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BHXH, BHYT được đổi mới. Nhiều mô hình vận động khá hiệu quả ở các địa phương, đơn vị xuất hiện như: mô hình tuyên truyền hướng trực tiếp đến các đối tượng cơ sở qua hệ thống đài truyền thanh cấp xã; tuyên truyền qua sinh hoạt của các đoàn thể; đối thoại, giải đáp chính sách BHXH, BHYT tại cơ sở. Các mô hình đã giúp cơ quan bảo hiếm xã hội quản lý chặt chẽ đối tượng tham gia, không phát sinh tiêu cực trong quản lý và thu phí đóng BHXH, BHYT.


Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra được chủ động thực hiện, đúng kế hoạch. Trong 10 năm (2009 - 2018), ngành BHXH đã tổ chức 124 cuộc kiểm tra tại 1.085 đơn vị sử dụng lao động và cơ sở khám chữa bệnh BHYT, 34 cuộc kiểm tra tại các đơn vị trong ngành; phối hợp với các ngành liên quan thanh tra tại 123 đơn vị sử dụng lao động. Việc thanh tra, kiểm tra đã phát hiện, kịp thời chấn chỉnh, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các sai phạm trong thực hiện chính sách.


Nguồn: BHXH Việt Nam

Ứng dụng CNTT ngành BHXH được xây dựng theo mô hình tập trung