Chat Zalo! Icon
Ngành Hải quan tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
6 May, 2020 by
Nguyễn Hoài Nguyên Hậu

 Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp không những gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn cả trong việc nộp các chứng từ để được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt.


Cơ quan Hải quan đã có nhiều giải pháp cũng như kiến nghị cấp trên giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

“Nóng” vấn đề nộp C/O

Liên quan đến vấn đề nộp C/O, Tổng cục Hải quan nhận được nhiều kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền cấp C/O và doanh nghiệp phản ánh khó khăn đối với nộp C/O do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo Trưởng phòng Giám quản 4 (Cục Giám sát quản lý về hải quan) Hoàng Thị Thủy, ngay sau khi nhận được các vướng mắc của doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan đã nắm bắt tình hình, tổng hợp kiến nghị Bộ Tài chính các biện pháp xử lý.

Theo rà soát của Tổng cục Hải quan, hiện nay các doanh nghiệp đề nghị được gia hạn thời gian nộp bổ sung C/O, nộp C/O bản Scan (PDF) để được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo quy định do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Căn cứ quy định hiện hành, tình hình thực tiễn và Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Hải quan đã dự thảo đề xuất các phương án.

Cụ thể đối với trường hợp nộp C/O để hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt, căn cứ Chỉ thị số 11, Chỉ thị số 02/CT-BTC ngày 13/3/2020 của Bộ Tài chính về các nhiệm vụ giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và các văn bản pháp luật có liên quan, Tổng cục Hải quan đã kiến nghị áp dụng thời điểm nộp C/O trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 cho tất cả các mẫu C/O là trong thời gian hiệu lực của C/O; nội dung hướng dẫn này phù hợp với quy định tại các cam kết quốc tế.

Đối với nộp C/O để thông quan, Tổng cục Hải quan đề xuất cho phép doanh nghiệp được nộp bản Scan (PDF) C/O tại thời điểm làm thủ tục hải quan. Về vấn đề tra cứu, đối chiếu C/O điện tử trên hệ thống áp dụng cho C/O các mẫu, Tổng cục Hải quan cho biết, trên cơ sở đề xuất của Indonesia, Ấn Độ về việc hai nước này chính thức cấp C/O các mẫu sử dụng con dấu và chữ ký điện tử (affixed signatures and seals), cơ quan Hải quan có thể kiểm tra thông tin trên C/O thông qua truy cập trang điện tử của cơ quan cấp C/O Indonesia, Ấn Độ; do vậy, đề xuất chấp nhận C/O mẫu D, mẫu AI sử dụng con dấu và chữ ký điện tử từ 01/04/2020 với điều kiện tra cứu được thông tin liên quan đến C/O trên trang điện tử của cơ quan có thẩm quyền cấp C/O làm cơ sở áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt. Nội dung này áp dụng đối với các mẫu C/O khác nếu không trái với cam kết quốc tế và cơ quan Hải quan có thể kiểm tra tính hợp lệ của C/O trên trang điện tử của cơ quan cấp. Cơ quan Hải quan chấp nhận C/O sử dụng dấu và chữ ký điện tử sau khi có thông báo chính thức từ cơ quan cấp.

Hiện nội dung đề xuất này đang trình lãnh đạo Bộ Tài chính để lấy ý kiến tham gia của Bộ Công Thương theo hướng xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2018/TT-BTC, Thông tư số 62/2019/TT-BTC quy định xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Thường xuyên theo dõi các vấn đề của doanh nghiệp, ông Lê Đắc Thành- Admin Group C/O cho biết, qua theo dõi thông tin trên Báo Hải quan cũng như các nguồn thông tin từ văn bản cho thấy doanh nghiệp rất quan tâm đến nội dung hướng dẫn sắp tới về C/O. Trong đó nhiều người đã trao đổi những thắc mắc về việc C/O có chữ ký điện tử và trên website của cơ quan cấp C/O nước xuất khẩu cung cấp thông tin để cơ quan nước nhập khẩu tra cứu thì có được chấp nhận không? Chẳng hạn C/O mẫu AI của Ấn Độ sử dụng điện tử nên doanh nghiệp khá quan tâm và mong muốn cơ quan Hải quan sớm chấp nhận C/O điện tử do Ấn Độ cung cấp cho Hải quan Việt Nam. Ông Thành cho rằng, với các định hướng như hiện nay của cơ quan Hải quan sẽ tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp nộp C/O.

Xem xét kiến nghị lưu giữ đối với hàng hóa

Không chỉ về vấn đề nộp C/O, cơ quan Hải quan đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn dịch Covid-19. Như vấn đề gia hạn hàng hóa lưu giữ kho ngoại quan đối với các lô hàng, Tổng cục Hải quan nhận được các phản ánh của doanh nghiệp: Do dịch virut Covid-19 bùng phát trên thế giới nên việc xuất khẩu hàng gửi kho ngoại quan sang các nước đang gặp khó khăn do phía bên nước nhập khẩu đa số hiện nay đang từ chối nhận hàng trong khi hàng gửi kho ngoại quan thì sắp hết hạn lưu giữ. Vì vậy, doanh nghiệp đề nghị Tổng cục Hải quan cho phép gia hạn hàng hóa lưu giữ kho ngoại quan đối với các lô hàng.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 61 Luật Hải quan, “Hàng hóa gửi kho ngoại quan được lưu giữ trong thời gian không quá 12 tháng kể từ ngày được gửi vào kho; trường hợp có lý do chính đáng thì được Cục trưởng Cục Hải quan quản lý kho ngoại quan gia hạn một lần không quá 12 tháng”. Luật Hải quan và Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính phủ hiện nay không quy định đối với các trường hợp bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh thì được phép gia hạn thời hạn gửi kho ngoại quan. Do đó, cơ quan Hải quan không có thẩm quyền quyết định gia hạn thêm thời gian gửi kho ngoại quan. Trước mắt, cơ quan Hải quan hướng dẫn các doanh nghiệp liên hệ với chi cục hải quan quản lý kho để được hướng dẫn phương án xử lý tạo điều kiện tối ưu đối với lô hàng còn hạn được lưu giữ trong kho ngoại quan. Về lâu dài với sự bùng phát dịch bệnh ngày càng tăng trên thế giới, việc xuất khẩu của doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn kéo dài, trong khi việc gia hạn thời gian lưu giữ hàng hóa gửi kho ngoại quan thuộc thẩm quyền cấp Chính phủ (Luật, Nghị định). Do đó, Tổng cục Hải quan sẽ kiến nghị Chính phủ xem xét đưa ra quy định giải quyết các vấn đề về thời hạn lưu giữ đối với hàng hóa nói chung (không chỉ kho ngoại quan mà còn có các loại hình khác như tạm nhập, tái xuất, …) để tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Giảm gánh nặng về kiểm tra

Thực hiện theo Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời không để doanh nghiệp lợi dụng chủ trương này vi phạm pháp luật theo yêu cầu của Chỉ thị 11/CT-TTg, đối với hoạt động kiểm tra báo cáo quyết toán trong năm 2020, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố chủ động rà soát, chỉ lập danh sách các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, báo cáo về Tổng cục Hải quan để phê duyệt.

Đối với hoạt động kiểm tra báo cáo quyết toán theo danh sách đã được phê duyệt năm 2019 của Tổng cục Hải quan, trường hợp cục hải quan các tỉnh, thành phố chưa hoàn thành kiểm tra theo kế hoạch đã được Tổng cục phê duyệt thì chỉ tiếp tục kiểm tra đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm. Trường hợp doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm thì xây dựng tiêu chí đánh giá, phân loại rủi ro để lập kế hoạch kiểm tra trong năm tiếp theo.