Chat Zalo! Icon
Hải quan TPHCM đưa ra nhiều giải pháp xử lý nợ thuế
14 May, 2020 by
Nguyễn Hoài Nguyên Hậu

Với trên 3.300 tỷ đồng nợ thuế thuộc diện cưỡng chế, khó đòi, Cục Hải quan TPHCM đang triển khai nhiều giải pháp vừa tránh phát sinh nợ xấu, vừa tìm giải pháp để xử lý nợ cũ. 


Cưỡng chế trên 7.000 doanh nghiệp nợ thuế

Cục Hải quan TPHCM vừa thống kê danh sách DN nợ thuế chây ỳ, thuộc diện cưỡng chế và đề nghị công khai danh tính trên 7000 DN với tổng số nợ trên 3.300 tỷ đồng. Trong đó, số nợ thuế chủ yếu phát sinh từ nhiều năm trước, thuộc diện nợ thuế khó có thể thu hồi. Cục Hải quan TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp theo đúng quy định tại Luật Quản lý thuế, tuy nhiên, kết quả thu hồi nợ không hiệu quả.

Bên cạnh đó, trong danh sách đề nghị công khai DN nợ thuế lần này có một số DN nợ thuế lớn, chủ yếu phát sinh khi DN bị cơ quan Hải quan kiểm tra sau thông quan, ban hành quyết định truy thu thuế. Trong đó, có trường hợp Công ty CP Tập đoàn T.Đ, nợ thuế gần 670 tỷ đồng; Công ty CP may G.P, nợ trên 47 tỷ đồng... Cục Hải quan TPHCM cho biết, các trường hợp nợ thuế này DN có khiếu nại và mặc dù đã được cơ quan Hải quan tổ chức đối thoại, giải quyết khiếu nại, nhưng hiện DN vẫn đang tiếp tục khiếu nại lên cấp cao hơn.

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp nợ thuế lớn thuộc loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu, với số nợ thuế rất lớn hàng chục tỷ đồng, nhưng DN đã ngưng hoạt động, như: Công ty Cổ Phần NIVL nợ 157 tỷ đồng; Cty TNHH Silver Star Việt Nam nợ trên 47 tỷ đồng; Cty TNHH SX Giày dép KWANG NAM nợ trên 35 tỷ đồng... và hàng chục DN nợ thuế tiền tỷ.

Theo Cục Hải quan TPHCM, số nợ thuế nêu trên hầu hết thuộc diện nợ cưỡng chế, phát sinh từ nhiều năm. Đặc biệt, nhiều DN nợ thuế đã bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh. Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Thuế XNK - Cục Hải quan TPHCM, thực hiện tốt phương châm giảm nợ là góp phần tăng thu ngân sách nhà nước. Trong thời gian qua, công tác quản lý, xử lý nợ thuế đã được Cục Hải quan TPHCM tổ chức quản lý tốt, không để phát sinh nợ xấu. Đạt được điều này là nhờ vào 2 yếu tố: Cơ quan Hải quan thực hiện tốt công tác tạo thuận lợi thương mại; và tuyên truyền, phổ biến pháp luật hải quan để DN hướng đến tính tự giác tuân thủ pháp luật hải quan.

Đề xuất cưỡng chế tài khoản chủ doanh nghiệp

Để thu hồi nợ thuế hiệu quả đối với DN không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 3397/TCHQ-TXNK hướng dẫn cưỡng chế thu hồi nợ đối với chủ sở hữu của DN không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh…Căn cứ hướng dẫn của Tổng cục Hải quan và quy định của Luật Doanh nghiệp, Cục Hải quan TPHCM cho rằng, cơ quan quản lý thuế chỉ được cưỡng chế buộc chủ sở hữu DN chịu trách nhiệm nộp thuế cho DN khi có cơ sở xác định chủ sở hữu chưa nộp đủ phần vốn góp theo khai báo tại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, (trường hợp đã nộp đủ phần vốn cam kết góp vào DN thì sẽ không bị cưỡng chế nộp phần thuế nợ còn lại của DN).

Hiện nay, Cục Hải quan TPHCM đã tiến hành thu thập thông tin tài khoản tiền gửi, tiền lương, tài sản của chủ sở hữu DN không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh. Kết quả thu thập cho thấy, một số chủ sở hữu có tiền gửi tại ngân hàng, đang được tổ chức phát lương, có thu nhập, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu phương tiện xe cơ giới… Khi thực hiện các biện pháp cưỡng chế đối với cá nhân chủ sở hữu (trích tài khoản tiền gửi, trích lương, kê biên bán đấu giá tài sản) để nộp thuế theo qui định nêu trên, Cục Hải quan TPHCM phát sinh vướng mắc, không có cơ sở xác định chủ sở hữu đã góp đủ hay chưa góp đủ phần vốn góp theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Từ thực tế trên, để thu hồi nợ thuế hiệu quả, Cục Hải quan TPHCM đề xuất giải pháp, trường hợp chủ sở hữu của DN không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh… có số dư tài khoản tiền gửi tại ngân hàng, đang được tổ chức phát lương, có thu nhập, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phương tiện xe cơ giới… cơ quan Hải quan có văn bản gửi chủ sở hữu DN đề nghị trong thời hạn 5 ngày làm việc cung cấp chứng từ chứng minh đã góp đủ phần góp vốn. Hết thời gian qui định, nếu chủ sở hữu không chứng minh đã góp đủ phần vốn cam kết góp, cơ quan Hải quan thực hiện các biện pháp cưỡng chế đối với cá nhân chủ sở hữu (trích tài khoản tiền gửi, trích lương, kê biên bán đấu giá tài sản) để thanh thoán tiền thuế nợ của DN.