Chat Zalo! Icon
Cơ quan Hải quan sẵn sàng phối hợp rút ngắn thời gian cấp C/O

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành nhấn mạnh: "Trong việc doanh nghiệp xin cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), cơ quan Hải quan sẵn sàng phối hợp để chia sẻ số liệu, kinh nghiệm, đặc biệt là đánh giá về doanh nghiệp để Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có thể dựa vào đó rút ngắn thời gian cấp C/O cho doanh nghiệp".


Tại buổi tọa đàm nằm trong khuôn khổ hội nghị “Tận dụng hiệu quả Hiệp định Thương mại dự do Việt Nam-EU (EVFTA): Cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam sau cú sốc Covid-19" diễn ra sáng nay, 29/6, tại Hà Nội, nội dung nhận được khá nhiều sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp là câu chuyện cấp C/O.

Bà Lê Thị Nụ, Công ty cổ phần Đầu Tư Wood Alliance (doanh nghiệp chuyên xuất khẩu đồ gỗ sang thị trường Mỹ, Trung Đông, châu Phi... -PV) cho biết, khi xuất khẩu hàng hóa đi các thị trường, khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp phải đối mặt là C/O.

Công ty làm C/O qua Bộ Công Thương và VCCI. Trong khi xin cấp C/O từ Bộ Công Thương khá nhanh chóng, chỉ khoảng 2-3 ngày thì khi làm với VCCI khá khó khăn, có trường hợp nộp hồ sơ cho VCCI mà phải tới 2,5 tháng doanh nghiệp mới được cấp C/O.

"Hàng hóa từ Việt Nam xuất khẩu đi Mỹ mất khoảng 40-48 ngày. Có lô hàng doanh nghiệp lỗ toàn bộ vì không lấy được C/O kịp thời", bà Nụ nói.

Với EVFTA, Công ty Wood Alliance có sự nghiên cứu khá kỹ lưỡng, song bà Nụ nhấn mạnh doanh nghiệp thấy khó khăn nhất vẫn là C/O. Hiện tại, doanh nghiệp đang xúc tiến xuất khẩu sản phẩm gỗ dán và tủ bếp đi EU, bà  Nụ đặt vấn đề: "Liên quan tới C/O không biết VCCI hay Bộ Công Thương có hỗ trợ gì cho doanh nghiệp hay không?".

Đánh giá rằng khi đi làm dịch vụ cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, một trong những điểm khó khăn nhất là C/O, ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam ví von: "Chúng tôi thường nói tiếng Việt C/O là “con ốm” vì con ốm là bố mẹ sợ. Chúng tôi đi làm dịch vụ cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, lấy được C/O thì có tiền và ngược lại".

Cho rằng với cả CPTPP cũng như EVFTA, một trong những điểm mấu chốt nhất để tận dụng tốt cơ hội là giải quyết tốt vấn đề C/O, ông Tương nhấn mạnh, doanh nghiệp logistics mong muốn được triển khai cấp C/O hình thức điện tử.

Hồi đáp lại những ý kiến của doanh nghiệp, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, xuất xứ là nội dung rất quan trọng. Nếu dùng từ C/O nghĩa là Giấy chứng nhận xuất xứ là muốn nói đến xuất xứ của hàng hóa, tạo sự khác biệt của hàng nội khối và hàng bên ngoài.

Muốn được hưởng ưu đãi thuế quan tại các Hiệp định thương mại tự do (FTA) nói chung, EVFTA nói riêng, phải chứng minh được hàng hóa đó có xuất xứ. Khó khăn không phải là việc cấp tờ giấy chứng nhận mà là việc chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu sử dụng từ nội khối.

Ở góc độ cơ quan Hải quan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) Mai Xuân Thành khẳng định, trong việc doanh nghiệp xin cấp C/O, cơ quan Hải quan sẵn sàng phối hợp với đầu mối là Bộ Công Thương và VCCI để chia sẻ số liệu, kinh nghiệm, đặc biệt là đánh giá về doanh nghiệp, xếp hạng doanh nghiệp để VCCI có thể dựa vào đó rút ngắn thời gian cấp C/O cho doanh nghiệp.

"Thủ tục hải quan hiện nay lên tới 99,99% là thủ tục hải quan điện tử. Tuy nhiên, trong việc cấp C/O điện tử, chúng tôi mới áp dụng đối với C/O form D của ASEAN. Hiện nay, Bộ Công Thương cũng đang muốn cùng Tổng cục Hải quan trao đổi, tính toán tới việc cấp C/O điện tử với EU", Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành nói.

Khuyến khích áp dụng hóa đơn điện tử càng sớm càng tốt