Chat Zalo! Icon
Rút bảo hiểm xã hội một lần theo phương án nào?

Trong tờ trình Quốc hội về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Chính phủ đề xuất hai phương án về rút bảo hiểm xã hội một lần.


Dẫn lại nghị quyết 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Chính phủ nêu rõ để giảm tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần cần tăng quyền lợi khi bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm để hưởng hưu trí. Ngược lại, quyền lợi sẽ giảm nếu rút bảo hiểm một lần.

Đề xuất thêm 5 quyền lợi nếu không rút bảo hiểm xã hội một lần

Trong giai đoạn 2016 - 2022, số người rút bảo hiểm xã hội một lần khoảng 4,5 triệu lượt. Tuy nhiên, gần 1,3 triệu lượt người tiếp tục đi làm, đóng bảo hiểm trở lại, tương ứng gần 28%.

Do vậy, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ bổ sung quyền lợi cho người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Cụ thể, quyền lợi một là điều kiện hưởng lương hưu giảm từ 20 năm xuống 15 năm. 

Hai, người đóng bảo hiểm hưởng trợ cấp hằng tháng nếu không đủ thời gian đóng để nhận lương hưu hoặc chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Ba, người lao động có bảo hiểm y tế do ngân sách chi trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng. 

Bốn, sau một năm nghỉ việc nhưng không rút bảo hiểm xã hội một lần, bảo lưu thời gian đóng, người tham gia vẫn có bảo hiểm y tế. Thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đóng bảo hiểm xã hội. 

Năm, người lao động mất việc được hỗ trợ tín dụng giải quyết khó khăn tài chính.

Hai phương án hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần

Trong tờ trình, Chính phủ đề xuất hai phương án về rút bảo hiểm xã hội một lần như sau. 

Phương án 1 là quy định hai nhóm lao động khác nhau. Nhóm 1 là những người đã tham gia bảo hiểm xã hội trước khi luật này có hiệu lực được rút bảo hiểm một lần sau 12 tháng nghỉ việc. 

Nếu những người này chọn bảo lưu, không nhận bảo hiểm xã hội một lần sẽ hưởng 5 quyền lợi nêu trên. Tuy nhiên, nếu lao động nhất quyết rút bảo hiểm một lần thì mất các quyền lợi bổ sung.

Nhóm 2 là những người đóng bảo hiểm xã hội từ khi luật sửa đổi có hiệu lực không được rút bảo hiểm xã hội một lần. Trừ người đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng, ra nước ngoài định cư hoặc mắc một trong các bệnh nguy hiểm tính mạng.

Chính phủ phân tích phương án này dần khắc phục tình trạng rút hiểm xã hội một lần thời gian qua. Về ngắn hạn, phương án này không giúp duy trì, gia tăng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội song về dài hạn sẽ tối ưu hơn, đồng thời ít gây phản ứng.

Tuy nhiên, quy định này có nhược điểm là chỉ áp dụng cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ khi luật có hiệu lực (dự kiến từ 1-7-2025) nên hơn 17,5 triệu lao động đang đóng bảo hiểm vẫn có quyền hưởng một lần. Việc này tạo sự so sánh giữa những người đóng trước và đóng sau.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất nhiều quyền lợi để hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần - Ảnh: NAM TRẦN

Trong khi đó, phương án 2 đề xuất người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần chỉ được giải quyết tối đa 50% thời gian đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. 

Thời gian còn lại được bảo lưu để người tham gia hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, khuyến khích đóng tiếp. Điều kiện được rút một lần là không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội đủ 12 tháng, thời gian đóng bảo hiểm chưa đủ 20 năm.

Như vậy, người tham gia có thể đóng tiếp bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, tử tuất, bảo hiểm y tế…

Chính phủ nhận định đây là phương án đảm bảo đúng tinh thần nghị quyết 28 của trung ương, hài hòa quyền lợi người lao động và chính sách an sinh xã hội lâu dài.

Tuy vậy, phương án này có nhược điểm là chưa giải quyết triệt để việc rút bảo hiểm xã hội một lần. Người lao động không được hưởng toàn bộ thời gian đóng, đồng thời có thể xuất hiện tình trạng ồ ạt rút bảo hiểm một lần.

Đây là vấn đề lớn, hết sức nhạy cảm, phức tạp nên Chính phủ báo cáo, xin ý kiến Quốc hội về cả hai phương án trên../

Turnover Rate là gì