Chat Zalo! Icon
Cần cảnh giác với hàng nhập khẩu vi phạm chủ quyền
18 September, 2020 by
Nguyễn Hoài Nguyên Hậu

Thời gian gần đây, nhiều vụ “đường lưỡi bò” xuất hiện trên các sản phẩm nhập ngoại đang là mối quan tâm đặc biệt của dư luận. Mới đây nhất, Cục Hải quan Lạng Sơn tạm giữ lô hàng rượu hoa điêu do Công ty Tuấn Phương làm thủ tục NK có in hình “đường lưỡi bò”. Điều này cho thấy, các DN vẫn chưa ý thức và nắm hết được các quy định cũng như tìm hiểu sâu về các sản phẩm mà DN dự kiến NK từ Trung Quốc.

Không hiểu sâu mặt hàng dự kiến NK

 Theo báo cáo của Cục Hải quan Lạng Sơn, cuối tháng 6, Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma tiếp nhận hồ sơ của Công ty TNHH thương mại XNK Tuấn Phương (Công ty Tuấn Phương) khai báo NK lô hàng rượu hoa điêu, có độ cồn 15-16,2 độ do Trung Quốc sản xuất, số lượng 200 thùng, mỗi thùng 12 chai dung tích 600ml/chai.

Rà soát các quy định về chính sách mặt hàng tại khoản 4 Điều 30 Nghị định 105/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh rượu thì mặt hàng rượu chỉ được phép làm thủ tục NK qua cửa khẩu quốc tế nên Hải quan Chi Ma đã yêu cầu Công ty Tuấn Phương ngưng làm thủ tục. Tuy nhiên, Công ty Tuấn Phương có công văn 2406/2020/CV-TP đề nghị được tiếp tục làm thủ tục hải quan và kiểm tra thực tế hàng hóa để xác định công dụng, mục đích sử dụng hàng hóa. Công ty Tuấn Phương cho rằng, mặt hàng rượu hoa điêu NK của đơn vị chỉ dùng để chế biến thực phẩm (giống như một loại giấm, một loại gia vị thông thường).


Trước vấn đề này, Hải quan Chi Ma đã kiểm tra thực tế và nhận thấy, lô hàng có dấu hiệu vi phạm về bao bì, nhãn mác trên hàng hóa vi phạm chủ quyền quốc gia. Ngay sau đó, Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma đã gửi mẫu kiểm tra chuyên ngành, trưng cầu giám định hàng hóa tại Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam (Bộ Tài nguyên và môi trường).

Đầu tháng 7, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam trả kết quả giám định, xác định: trên vỏ bao bì và trên nhãn mác chai rượu có hình ảnh bản đồ Trung Quốc, trong đó có thể hiện hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia Việt Nam, được xác định theo pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ mà nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên phù hợp với công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đề nghị Hải quan Chi Ma xem xét xử lý theo quy định tại Điều 11 Nghị định 18/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.

Sau khi có kết quả trưng cầu giám định, làm việc với cơ quan Hải quan, Công ty Tuấn Phương thừa nhận hành vi vi phạm và đề nghị tạo điều kiện cho tái xuất số hàng hóa trên.

Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, qua nghiên cứu các quy định hiện hành, đơn vị nhận thấy, DN NK mặt hàng rượu với mục đích kinh doanh, hàng hóa do đối tác phía Trung Quốc sản xuất, hình ảnh trên bao bì, nhãn mác dán trên vỏ chai chứa rượu cũng đều do nhà sản xuất thực hiện. Do Công ty Tuấn Phương không kiểm tra thực tế hàng hóa trước khi đăng ký tờ khai NK đã dẫn đến vi phạm.

Để xử lý vụ việc, Cục Hải quan Lạng Sơn cũng đã có công văn báo cáo Tổng cục Hải quan xin chỉ đạo hướng xử lý vụ việc. Theo hướng dẫn đối với hàng hóa NK có hình ảnh, nội dung vi phạm chủ quyền quốc gia Việt Nam, Tổng cục Hải quan đề nghị Hải quan Lạng Sơn căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 20 Nghị định 159/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản và hồ sơ vụ việc cụ thể để xử lý. Đối với mặt hàng rượu NK không qua các cửa khẩu quốc tế theo quy định, Hải quan Lạng Sơn căn cứ điểm a khoản 3 Điều 41 Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hồ sơ vụ việc cụ thể để xử lý.

Mặc dù vậy, qua làm việc, Hải quan Lạng Sơn cho rằng, cần làm rõ mục đích, động cơ của DN có thông đồng, cấu kết với bên bán hàng để NK rượu mà trên bao bì, nhãn mác có hình bản đồ Trung Quốc bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam thuộc Trung Quốc nhằm mục đích cho ý đồ bành trướng không..., nếu không có mục đích, động cơ thì vi phạm của DN là vô ý và phải chịu xử lý theo pháp luật quy định về nhãn hàng hóa. Hải quan Lạng Sơn đã chỉ đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ nghiên cứu, xác định hành vi vi phạm của DN tương tích với văn bản quy phạm pháp luật để xem xét xử lý theo đúng quy định.

Cục Hải quan Lạng Sơn nhấn mạnh, việc NK rượu qua cửa khẩu quốc tế theo quy tại khoản 4 Điều 30 Nghị định 105/2017/NĐ-CP là quy phạm bắt buộc. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành chưa có chế tài để xử phạt hành vi NK không đúng cửa khẩu. Liên quan đến nhãn hàng hóa các quy định, chế tài cũng đã được quy định rõ tại khoản 1, khoản 5 Điều 3 và khoản 2 Điều 8 Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ. Mức phạt đối với hành vi vi phạm cũng đã được Chính phủ quy định theo trị giá của hàng hóa vi phạm tại khoản 3 Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP.

Cảnh giác dưới mọi hình thức

Đại diện Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cho biết, thời gian qua, một số DN đã NK hoặc tạm nhập vào Việt Nam một số loại hàng hóa có hình ảnh hoặc mang nội dung bản đồ “đường lưỡi bò”. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật, bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật hiện hành do xuyên tạc sự thật lịch sử, thể hiện không đúng hoặc gây nhầm lẫn về chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia.

Theo Luật sư Vũ Công Dũng (Văn phòng Luật sư Bảo Hiến-Hà Nội), sự việc Trung Quốc đơn phương công bố chủ quyền vùng biển bằng đường lưỡi bò 9 đoạn vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của đa số các quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, việc đơn phương công bố chủ quyền đường chín đoạn này đã xâm phạm chủ quyền của nhiều quốc gia khu vực đông nam châu Á, trong đó có Việt Nam. Quan điểm nhất quán của Đảng và nhà nước Việt Nam là không thừa nhận việc tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc tại biển Đông. Khẳng định chủ quyền vùng biển, hải đảo và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo luật pháp quốc tế, luật biển năm 1982 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và gia nhập. Kiên quyết đấu tranh để bảo vệ chủ quyền biển đảo, phản đối các luận điệu xuyên tạc, xâm phạm đến chủ quyền quốc gia.

Bởi vậy, mọi hành vi tuyên truyền, phổ biến các ấn phẩm về đường lưỡi bò chín đoạn của Trung Quốc là vi phạm pháp luật Việt Nam, xâm hại đến chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, hành vi này là đáng lên án và có thể áp dụng các chế tài của pháp luật để xử lý, có thể là chế tài hành chính hoặc xử lý hình sự.

Sau nhiều vụ “đường lưỡi bò” xuất hiện trên hộ chiếu, trên các sản phẩm văn hóa, du lịch, trên các mặt hàng ô tô, rượu bị phát hiện và thu giữ, vấn đề cấp bách đặt ra là các cơ quan chức năng cần có một cơ chế giám sát đặc biệt khi thẩm định hay làm thủ tục NK các sản phẩm có xuất xứ nước ngoài.

Cũng theo Luật sư Vũ Công Dũng, các DN khi làm thủ tục NK các sản phẩm từ nước ngoài cũng cần phải cảnh giác và tìm hiểu sâu, kỹ về sản phẩm mà DN đang có dự định NK để tránh xảy ra việc hàng vào đến trong nước rồi mà DN vẫn không biết trên phần mềm, bao bì, nhãn mác sản phẩm có in những gì. Trước khi quyết định NK hàng hóa từ nước ngoài, các DN cần rà soát các hợp đồng, văn bản pháp lý giao kết với đối tác bán hàng nước ngoài để đảm bảo hàng hóa NK không gắn, dán nhãn mác, cài đặt, sử dụng các thiết bị, tài liệu, hình ảnh vi phạm chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia của Việt Nam; kiểm soát chặt chẽ toàn bộ hàng hóa trước khi NK, tạm nhập vào lãnh thổ Việt Nam.

Đối với các mặt hàng NK trực tiếp từ Trung Quốc, các DN cần đề nghị đối tác, người bán có văn bản cam kết không gắn, cài đặt, dán, in sử dụng các thiết bị, tài liệu, hình ảnh, bao bì, nhãn mác vi phạm chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia của Việt Nam. Khi phát hiện hàng hóa vi phạm hoặc nghi ngờ vi phạm chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia của Việt Nam, DN cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng như Hải quan, Quản lý thị trường, Công an, Biên phòng tại địa phương để kịp thời xử lý- luật sư Vũ Công Dũng nhấn mạnh.