Chat Zalo! Icon
Cải cách thủ tục hành chính hải quan, thuế: Thuận lợi cho doanh nghiệp
12 December, 2019 by
Nguyễn Hoài Nguyên Hậu

Hệ thống hải quan điện tử (VNACCS/VCIS) được triển khai ở 100% các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan. Có tới 99,87% doanh nghiệp đã kê khai thuế điện tử... Cơ quan thuế, hải quan đã thực hiện đồng bộ, thông suốt cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông"... là nỗ lực lớn của ngành Tài chính thời gian qua. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà khẳng định, thời gian tới Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

- Thời gian qua, lĩnh vực thuế và hải quan đều có những cải cách mạnh mẽ, hỗ trợ tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp. Thứ trưởng có thể chia sẻ đôi nét về những chuyển động tích cực này?

- Đúng như vậy, thời gian qua, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Về thể chế chính sách, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Quản lý thuế mới, trong đó có nhiều nội dung về cải cách thủ tục hành chính, cả về thuế và hải quan. Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 119/ 2018/NĐ-CP (ngày 12-9-2018) quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng, cung cấp dịch vụ, đó là cơ sở quan trọng để cải cách việc sử dụng, quản lý hóa đơn, chứng từ. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2019/NĐ-CP (ngày 14-11-2019) quy định thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa quốc gia”, cơ chế “một cửa ASEAN” và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất - nhập khẩu; ban hành mới và sửa đổi 7 thông tư làm cơ sở pháp lý trong đột phá về cải cách, hiện đại hóa hải quan.

Cơ quan thuế, hải quan tiếp tục triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Theo đó, 99,53% doanh nghiệp nộp thuế điện tử; 93,61% doanh nghiệp hoàn thuế điện tử. Hết năm 2019 sẽ có 188/304 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4... Cơ quan thuế, hải quan đã thực hiện đồng bộ, thông suốt cơ chế "một cửa liên thông", tạo thuận lợi cho người nộp thuế, khai hải quan.


- Nỗ lực cải cách hành chính đã giúp ngành Tài chính “ghi điểm” trong năm 2019. Thứ trưởng có thể cho biết thêm về những kết quả đã đạt được?

- Kết quả đáng chú ý nhất là Chỉ số nộp thuế của Việt Nam đã tăng 22 bậc, từ vị trí thứ 131 lên vị trí thứ 109 trong tổng số 190 quốc gia được đánh giá theo Báo cáo Môi trường kinh doanh toàn cầu (Doing Business 2020) do Ngân hàng Thế giới công bố.

Với kết quả này, ngành Thuế đã vượt chỉ tiêu mà Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1-1-2019 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, là tăng 7-10 bậc trong năm 2019. Kết quả trên cũng gần tiệm cận mục tiêu đến năm 2021 là tăng 30-40 bậc.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, phần lớn các chỉ số nộp thuế đều có sự cải thiện so với năm trước đó, ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam. Cụ thể, thời gian nộp thuế giảm 114 giờ (từ 498 giờ xuống còn 384 giờ), trong đó 94 giờ giảm nhờ cải cách, đơn giản hóa các thủ tục về khai thuế giá trị gia tăng; 20 giờ giảm nhờ đơn giản hóa các thủ tục về nộp và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp...

Đây cũng là bằng chứng cho thấy những nỗ lực của ngành Tài chính, của cơ quan thuế trong việc cải cách toàn diện, từ thể chế, phương thức, đến bộ máy, con người quản lý. Rất nhiều ứng dụng công nghệ thông tin đã được đưa vào hệ thống để cắt giảm, đơn giản hóa nhiều khâu trong quy trình quản lý, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và người dân trong thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước... Nhiều vấn đề doanh nghiệp phản ánh đã được lắng nghe, trao đổi và có hướng xử lý kịp thời.

- Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ có những giải pháp gì nhằm hỗ trợ doanh nghiệp cũng như góp phần xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh công bằng, minh bạch?

- Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả trong thực hiện các giải pháp tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp. Song, với thực tiễn đa dạng, sôi động và đổi mới nhanh chóng như hiện nay, đòi hỏi chính sách và thủ tục hành chính về thuế, hải quan phải liên tục được hoàn thiện, cập nhật. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tài chính thời gian tới.

Với phương châm sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp, trước hết, Bộ Tài chính và các đơn vị sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị đối thoại, lắng nghe, chia sẻ những ý kiến đóng góp từ phía doanh nghiệp để không ngừng hoàn thiện chính sách; giải quyết kịp thời mọi vướng mắc.

Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hướng tới chính phủ điện tử, chính phủ số, nền kinh tế số... như chủ trương của Chính phủ tiếp tục được đẩy mạnh. Các thể chế, chính sách, bộ máy quản lý tiếp tục được rà soát, cắt giảm hoặc sửa đổi theo hướng tạo thuận lợi, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Chúng tôi tin rằng, những cải cách mà toàn ngành Tài chính đang tích cực thực hiện sẽ góp phần xây dựng môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, đồng thời giúp cộng đồng doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, qua đó đóng góp tích cực vào ngân sách nhà nước.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Để giảm đầu mối, tinh gọn bộ máy, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan sắp xếp, tổ chức lại toàn hệ thống; trong đó, Tổng cục Thuế đã hợp nhất 401 chi cục thuế thành 190 chi cục thuế khu vực (giảm 211 chi cục thuế). Tổng cục Hải quan cũng đã giảm từ 174 chi cục hải quan xuống còn 162 chi cục.