Chat Zalo! Icon
Xây dựng hệ thống thuế đảm bảo nguồn thu bền vững
Giai đoạn 10 năm tới (2021-2030), để đáp ứng nhu cầu chi ngày càng tăng, thì bên cạnh việc tiếp tục xây dựng chiến lược cải cách hệ thống thuế đảm bảo tính hiệu quả, công bằng, vấn đề quan trọng là phải đảm bảo nguồn thu bền vững.

Giai đoạn 10 năm tới (2021-2030), để đáp ứng nhu cầu chi ngày càng tăng, thì bên cạnh việc tiếp tục xây dựng chiến lược cải cách hệ thống thuế đảm bảo tính hiệu quả, công bằng, vấn đề quan trọng là phải đảm bảo nguồn thu bền vững. Đó cũng là nội dung chính của hội thảo “Đánh giá cơ cấu nguồn thu và chi tiêu thuế” do Bộ Tài chính tổ chức ngày 27/11 tại Quảng Ninh.

 

 

 

Cơ cấu thu đã bền vững nhưng…

 

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) Trương Bá Tuấn cho biết, giai đoạn vừa qua hệ thống thuế của Việt Nam đã được cải cách, điều chỉnh phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế. Nhờ hiệu quả cải cách nên tiềm lực tài chính quốc gia đã từng bước được củng cố và có tính bền vững cao. Nếu như giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ động viên thuế chỉ chiếm 23,6% GDP thì đến 2016-2019 đã được điều chỉnh lên 25,5% GDP. Riêng năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỷ lệ động viên thuế/GCP có giảm, nhưng tính trung bình 5 năm qua (2016-2020) mức độ động viên đã đạt mục tiêu đề ra là 24,5% GDP.

 

Cùng với đó, cơ cấu thu NSNN đã bền vững hơn, tăng dần tỷ trọng các khoản thu trong nước từ 68% (2011-2015) lên 81% (2016-2020), giảm dần sự phụ thuộc từ dầu thô và thuế xuất nhập khẩu; đảm bảo NSNN điều tiết về trung ương ngày càng tăng. Nhờ đó, Nhà nước có điều kiện thực hiện tốt các nhiệm vụ chi NSNN, đảm bảo an sinh xã hội, củng cố an ninh quốc phòng… “Thành công trong củng cố nguồn thu đã tạo điều kiện để giảm dần bội chi ngân sách, qua đó góp phần giảm nợ công”- ông Tuấn nhấn mạnh. 

 

Mặc dù vậy, theo ông Tuấn khi xét về quy mô cơ cấu thu NSNN cũng đang có một số vấn đề. Cụ thể, trong cơ cấu nguồn thu vẫn chủ yếu nhờ vào các khoản thu không tái tạo như thoái vốn DNNN, tài nguyên, tài sản công; tỷ trọng thu ngân sách trung ương trong tổng thu NSNN có xu hướng giảm làm ảnh hưởng đến “vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương”. Ở góc độ địa phương,  mức độ tự chủ của thu ngân sách còn hạn chế, phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ đất. Đặc biệt, thời gian tới việc thực hiện các chủ tương của Đảng, Nhà nươc về cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đ

 

ang đặt ra yêu cầu đòi hỏi hệ thống thuế phải tiếp tục có sự điều chỉnh. Vấn đề thuế quốc tế, tính thuế trong nền kinh tế số cũng đặt ra thách thức cho cơ quan thuế và chính sách thuế. Một vấn đề quan trọng đó là, thời gian qua việc thực hiện ưu đãi thuế dù rất quan trọng để thu hút nguồn lực từ bên ngoài, nhưng đến nay Việt Nam lại chưa có nhiều nghiên cứu liên quan đến việc các chi phí cho các biện pháp ưu đãi thuế… Vì vậy, hội thảo nhằm lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia trong và ngoài nước về đánh giá cơ cấu nguồn thu và chi tiêu thuế để phục vụ cho tổng kết các luật thuế, phí và lệ phí làm căn cứ nghiên cứu, xây dựng chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030.

 

Bổ sung thêm, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới Lê Minh Tuấn cho hay, trong thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng nhằm củng cố một chế độ thuế hiện đại, tuân theo các nguyên tắc trong Chiến lược cải cách thuế 2011-2020. Những cải tiến trong cả chính sách thuế và quản trị thuế đã phản ánh sự chuyển dịch cơ bản trong thiết lập mục tiêu từ đơn giản là tăng thu sang ổn định thu; đồng thời loại bỏ gánh nặng quá mức cho tăng tưởng và làm cho hệ thống thuế hiệu lực, hiệu quả, minh bạch và công bằng. Khung quản lý thuế cũng đã được củng cố với việc thông qua Luật Quản lý Thuế sửa đổi 2019. Tuy nhiên,  vị chuyên gia của WB cho rằng, một số điểm yếu vẫn còn tồn tại trong các chính sách thuế lớn; các yếu tố phức tạp, không chắc chắn và kém hiệu quả kinh tế vẫn còn tồn tại điều đó đã phản ánh sự pha trộn của nhiều mục tiêu và đánh đổi để cải cách. 

 

Cụ thể hơn, bà Trần Thị Tuyết, Trưởng phòng chính sách thuế GTGT và TTĐB (Vụ Chính sách thuế) cho biết, chính sách thuế GTGT, TTĐB, TNCN thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả. Các chính sách thuế này ngoài việc góp phần tháo gỡ khó khăn của DN, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, còn góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, minh bạch hoạt động kinh tế, chống gian lận.

 

 

Tuy nhiên, quá trình thực hiện các chính sách thuế vẫn còn một số hạn chế, tồn tại. Đơn cử như điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào, để tiếp tục góp phần thúc đẩy phát triển giao dịch thanh toán qua ngân hàng giữa các DN, đồng thời ngăn chặn gian lận trong khấu trừ, hoàn thuế và phòng chống rửa tiền thì cần nghiên cứu dể giảm mức chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Hay như thuế TTĐB cần phải mở rộng cơ sở tính thuế đối với mặt hàng có hại cho sức khoẻ như nước ngọt. Bên cạnh đó, mức thuế TTĐB đối với rượu, bia, thuốc lá hiện chưa đạt hiệu quả cao nhất là để hạn chế tiêu dùng, do vậy cần phải nghiên cứu mức thuế suất TTĐB phù hợp để khuyến khích sswr dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường… 

 

Dư địa mở rộng nguồn thu còn lớn

 

Góp ý cho định hướng nguồn thu trong thời gian tới, các chuyên gia trong và ngoài nước đều nhất trí cho rằng, xét cho đến cùng thu thuế cũng là để phục vụ cho chi. Trong 5-10 năm tới, dự báo chi tiếp tục tăng thì giải pháp quan trọng là phải đảm bảo nguồn thu bên cạnh đảm bảo tính hiệu quả, công bằng.  

 

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này, qua cầu trực tuyến ông Frederic Tremblay, chuyên gia tư vấn quốc tế về đánh giá chi tiêu thuế và cơ cấu nguồn thu đến từ Canada cho rằng, đầu tiên phải định nghĩa thế nào là cơ cấu nguồn thu, mức độ đóng góp của từng dòng thuế vào tổng doanh thu thuế, từ đó sẽ xác định được cần phải thiết kế một cơ cấu thuế như thế nào cho phù hợp. Cùng với đó, cần phải so sánh cơ cấu nguồn thu của Việt Nam với thế giới. Hiện, tỷ trọng thuế GTGT, TNDN của Việt Nam chưa phải là cao so với các nước. Đơn cử như thuế TNCN chiếm một tỷ trọng nhỏ trong tổng doanh thu thuế của Việt Nam.

 

Thu thuế TNCN của Việt Nam mới chỉ tập trung ở khu vực kinh tế chính thức mà chưa tập trung nhiều vào khu vực phi chính thức. Những cá nhân có doanh thu lớn từ hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng chưa đăng ký với Nhà nước thường chỉ chịu mức thuế suất thấp (5%). Tuy nhiên, dù thuế TNCN ở Việt Nam chưa phải là nguồn thu hiệu quả nhất, nhưng đang là cách tốt nhất để giải quyết phân phối lại thu nhập. Đó cũng là lý do cần tiếp tục áp dụng mức luỹ tiến cho loại thuế này, nhưng sẽ phải bao gồm tất cả các cá nhân có nguồn thu từ việc làm, vốn và thu nhập không chính thức. Cùng với đó, có thể khuyến khích sự tham gia vào nền kinh tế chính thức bằng cách cung cấp các khoản tín dụng thuế được hoàn lại…

 

Chuyên gia kinh tế trưởng của WB Lê Minh Tuấn bổ sung, đối với thuế TNDN, mặc dù việc sử dụng rộng rãi các ưu đãi thuế TNDN làm ảnh hưởng đến tính minh bạch và hiệu quả, nhưng vẫn cần tiếp tục hợp lý hoá cơ sở thuế và đơn giản hoá định nghĩa về các khoản khấu trừ chịu thuế, giữ nguyên thuế suất tiêu chuẩn hiện hành và cơ cấu lại các ưu đãi thuế. Thuế suất 20% của Việt Nam hiện tại thấp hơn so với mức trung bình của khu vực, toàn cầu. Tuy nhiên, vẫn nên giữ nguyên mức thuế suất này và không nên hạ thấp hơn, và cần xem xét hợp lý hoá các ưu đãi thuế khác. Về cải cách ưu đãi thuế, ông Lê Minh Tuấn cho rằng, cơ cấu ưu đãi thuế hiện tại cần được hợp lý hoá và đơn giản hoá từ cả 2 khía cạnh thiết kế và quản trị. Đồng thời, thực hiện việc thu hẹp phạm vi ưu đãi thuế phải bắt đầu từ cấp chiến lược; đưa tất cả các điều khoản về ưu đãi thuế vào các luật thuế tương ứng và tiến hành phân tích chi tiêu thuế và luật hoá nội dung này trong xây dựng ngân sách…

 

Bài, ảnh: Thuý Nga

==

"Danh mục ngành nghề lĩnh ực và địa bàn được hưởng ưu đãi thuế khá rộng đã làm giảm vai trò định hướng của chính sách ưu đãi thuế trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, phạm vi ưu đãi rộng đồng nghĩa chi phí áp dụng các chính sách ưu đãi thuế cao. Do vậy, thu hẹp danh mục ngành nghề, địa bàn được hưởng ưu đãi thuế. Các chíh sách thuế phải hướng vào các ngnahf nghề có khả năng tạo ra hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế, tạo điều kiện cho DN đổi mới, nâng cao khả năng cạnh tranh. Cùng với đó, hoàn thiện khuôn khô dánh giá hiệu quả của ưu đãi thu"- Ông Nguyễn Văn Bột, Phó Cục trưởng Cục Thuế Quảng Ninh.

 

Phân tích báo cáo tài chính phòng ngừa rủi ro về thuế
Ngày 28/11, Câu lạc bộ (CLB) Đại lý thuế TPHCM tổ chức buổi cập nhật kiến thức với chủ đề Phân tích báo cáo tài chính (BCTC) phòng ngừa rủi ro về thuế cho hơn 260 cá nhân là nhân viên kế toán, lãnh đạo các thành viên trong CLB và các DN hoạt động trên địa bàn.