Chat Zalo! Icon
Phạt đến 20 triệu đồng nếu chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử muộn

Mức xử phạt cao hơn quy định cũ

Ông Lương Xuân Thu – Trưởng phòng Tuyên truyền Hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế Khánh Hòa cho biết, Nghị định 125/2020/NĐ-CP (Nghị định 125) xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn vừa được Chính phủ ban hành có khá nhiều điểm mới hơn so với nghị định cũ. Đồng thời, mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính thuế, hóa đơn được điều chỉnh tăng cao hơn trước.

Cụ thể, Nghị định 125 quy định, các vi phạm hành chính với số thuế từ 100 triệu đồng trở lên hoặc giá trị hàng hóa từ 500 triệu đồng trở lên được xác định là vi phạm hành chính về thuế có quy mô lớn; vi phạm hành chính từ 10 số hóa đơn trở lên được xác định là vi phạm hành chính về hóa đơn có quy mô lớn.

Điển hình, tại Khoản 5 Điều 24 Nghị định 125 quy định, người nộp thuế không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho người mua theo quy định (trừ hành vi quy định tại điểm b khoản 2 điều này), sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.


Đối với hành vi vi phạm quy định về chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử, nếu người nộp thuế chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử cho cơ quan thuế quá thời hạn từ 1 đến 5 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng. Hay phạt tiền từ 5 - 8 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế quá thời hạn từ 6 đến 10 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn theo quy định; chuyển bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử không đầy đủ số lượng hóa đơn đã lập trong kỳ.

Đáng chú ý, Nghị định 125 còn quy định nếu người nộp thuế chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế quá thời hạn từ 11 ngày làm việc trở lên, kể từ ngày hết thời hạn theo quy định hoặc không chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử cho cơ quan thuế theo thời hạn quy định, sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.

Ông Lương Xuân Thu cho rằng, việc xử lý nghiêm vi phạm hành chính về thuế sẽ góp phần phòng ngừa vi phạm, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thuế của người nộp thuế.

Nộp hồ sơ quá hạn cũng có thể bị phạt đến 25 triệu đồng

Ngoài các quy định xử phạt về hóa đơn, Nghị định 125 còn quy định mức phạt đối với hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế. Cụ thể, sẽ phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 1 - 5 ngày và có tình tiết giảm nhẹ; phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 1 - 30 ngày, trừ trường hợp được quy định. Đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 31 - 60 ngày, bị phạt tiền từ 5 - 8 triệu đồng.

Phạt tiền từ 8 - 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 61 - 90 ngày; nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp; không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp; không nộp các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết kèm theo hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.

Phạt tiền từ 15 – 25 triệu đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại khoản 11 Điều 143 Luật Quản lý thuế.

Trường hợp số tiền phạt nếu áp dụng lớn hơn số tiền thuế phát sinh trên hồ sơ khai thuế thì số tiền phạt tối đa đối với trường hợp này bằng số tiền thuế phát sinh phải nộp trên hồ sơ khai thuế nhưng không thấp hơn mức trung bình của khung phạt tiền.

Nghị định 125 có hiệu lực thi hành từ ngày 5/12/2020, xem chi tiết nghị định tại đây./.

Ngân hàng sẽ cung cấp thông tin tài khoản cá nhân cho ngành thuế?