Chat Zalo! Icon
Đồng bộ hóa đơn điện tử với chứng từ điện tử
30 March, 2020 by
Nguyễn Hoài Nguyên Hậu

Đến ngày 1/11/2020, Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ mới được áp dụng toàn bộ, nhưng hiện Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo nghị định thay thế nghị định này. Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế), việc đưa ra nghị định thay thế là nhằm đồng bộ hóa đơn điện tử và chứng từ điện tử.


Nghị định 119/2018/NĐ-CP chưa thực sự đi vào cuộc sống, nhưng đã phải thay thế. Vì sao vậy, thưa ông?

Nghị định 119/2018/NĐ-CP mới giải quyết vấn đề về hóa đơn điện tử, chưa đề cập đến chứng từ điện tử. Tuy nhiên, Luật Quản lý thuế năm 2019 đã có quy định cụ thể về cả hóa đơn điện tử (có mã hoặc không có mã xác thực của cơ quan thuế) và chứng từ điện tử, bao gồm các loại chứng từ, biên lai được thể hiện ở dạng dữ liệu điện tử do cơ quan quản lý thuế hoặc tổ chức có trách nhiệm khấu trừ thuế cấp cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh (người nộp thuế) bằng phương tiện điện tử khi thực hiện thủ tục về thuế hoặc các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước và các loại chứng từ, biên lai điện tử khác. 

Hiện tại, hóa đơn được thực hiện bằng phương pháp điện tử, còn chứng từ khấu trừ thuế vẫn thực hiện thủ công bằng giấy khiến cơ quan thuế, doanh nghiệp, tổ chức khấu trừ thuế, thu các khoản khác thuộc ngân sách nhà nước mất thời gian, công sức, chi phí, do chứng từ giấy không kết nối được với hóa đơn điện tử.

Việc thống nhất quy định về hóa đơn điện tử và chứng từ điện tử trong một văn bản quy phạm pháp luật nhằm thực hiện cải cách thủ tục hành chính thuế, giảm thiểu thời gian, công sức, chi phí cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý thuế. Trên thực tế, Dự thảo Nghị định về hóa đơn, chứng từ kế thừa hầu như toàn bộ các quy định phù hợp với thực tế của Nghị định 119/2018/NĐ-CP, chỉ bổ sung phần chứng từ điện tử, nên việc tiếp tục triển khai hóa đơn điện tử không có gì vướng mắc.

Theo Nghị định 119/2018/NĐ-CP, việc thực hiện hóa đơn điện tử phải hoàn thành chậm nhất là ngày 1/11/2020, nhưng Dự thảo Nghị định thay thế cho phép kéo dài đến ngày 1/7/2022. Phải chăng đây là bước lùi?

Đây không phải là bước lùi, vì Luật Quản lý thuế năm 2019 dù có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, nhưng riêng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2022. Lý do là, để thực hiện được hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử, đòi hỏi phải đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin; xây dựng, quản lý và phát triển cơ sở dữ liệu; phải tổ chức thực hiện nhiệm vụ thu thập, xử lý thông tin, quản lý cơ sở dữ liệu hóa đơn và bảo đảm duy trì, vận hành, bảo mật, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin…

Đặc biệt, phải có sự kết nối giữa doanh nghiệp với cơ quan thuế; kế nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu liên quan giữa cơ quan thuế với nhiều cơ quan quản lý nhà nước khác như công thương, tài nguyên và môi trường, công an, y tế…

Để thực hiện được các công việc trên, không chỉ cần nguồn tài chính để đầu tư, mà cần phải có thời gian để cơ quan thuế, các bộ, ngành, doanh nghiệp thực hiện chính. Từ nay đến ngày 1/7/2022, người nộp thuế nếu đủ điều kiện vẫn áp dụng hóa đơn điện tử và cơ quan thuế khuyến khích người nộp thuế áp dụng hóa đơn, chứng từ điện tử kể từ ngày 1/7/2020.

Vậy kể từ ngày 1/7/2020, khi Nghị định 119/2018/NĐ-CP hết hiệu lực thi hành, người nộp thuế áp dụng hóa đơn thế nào khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ?

Người nộp thuế đang áp dụng hóa đơn điện tử (có hoặc không có mã xác thực của cơ quan thuế) thì tiếp tục áp dụng. Người nộp thuế đủ điều kiện áp dụng hóa đơn, chứng từ điện tử thì đăng ký với cơ quan thuế để thực hiện. Còn nếu không, thì tiếp tục thực hiện Nghị định 51/2010/NĐ-CP và Nghị định 4/2014/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, tức là vẫn sử dụng hóa đơn giấy truyền thống.

Việc cho phép kéo dài thời gian thực hiện quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ là tạo điều kiện cho người nộp thuế xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, đầu tư hệ thống phần mềm kế toán, phần mềm lập hóa đơn đáp ứng lập, tra cứu, lưu trữ dữ liệu và bảo đảm việc truyền dữ liệu hóa đơn điện tử đến người mua, đến cơ quan thuế và không làm gián đoạn sản xuất, kinh doanh bình thường của người nộp thuế.

Nghị định 119/2018/NĐ-CP nhằm “khai tử” giấy, nhưng Nghị định thay thế vẫn quy định về hóa đơn giấy mua của cơ quan thuế. Rõ ràng, đây là bước lùi, thưa ông?

Việc tiếp tục cho phép một số đối tượng (doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ, cá nhân kinh doanh tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; và hộ, cá nhân kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp; hộ, cá nhân kinh doanh)  được mua hóa đơn giấy của cơ quan thuế không phải là bước lùi, mà là tạo điều kiện cho họ hoạt động bình thường, trong khi chưa đủ điều kiện áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.

Song các đối tượng trên chỉ được phép mua hóa đơn giấy do cơ quan thuế đặt in tối đa là 12 tháng, sau đó phải sử dụng hóa đơn điện tử có hoặc không có mã của cơ quan thuế. Trong 12 tháng, cơ quan thuế sẽ hỗ trợ họ chuyển từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử. Khi chuyển sang hóa đơn điện tử, cơ quan thuế tiếp tục có các chính sách hỗ trợ người nộp thuế.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần nới rộng việc sử dụng hóa đơn giấy mua của cơ quan thuế, vì trên thực tế, có tỷ lệ rất lớn trong khoảng 5 triệu hộ gia đình, cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ không đủ điều kiện để áp dụng hóa đơn điện tử, đặc biệt là ở khu vực có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn. Về nội dung này, chúng tôi tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của của cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế, đặc biệt là hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ.