Chat Zalo! Icon
Người rút bảo hiểm xã hội một lần tăng mạnh

Dù thị trường việc làm dần cải thiện nửa cuối năm, nhưng tính chung cả năm nay tỷ lệ người lao động mất việc nhận trợ cấp thất nghiệp và rút bảo hiểm xã hội một lần đều tăng.

Sáng 26/12, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Thông tin tại hội nghị, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, tính tới hết tháng 11 vừa qua, cả nước đã có hơn 1 triệu người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đã có hơn 955.000 người được giải quyết nhận trợ cấp thất nghiệp, tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm trước. Bảo hiểm tất nghiệp, trợ cấp thất nghiệp được đánh giá đã góp phần bù đắp nhu cầu cuộc sống người lao động trong bối cảnh mất việc.

Việc làm cải thiện nhưng tỷ lệ lao động nhận trợ cấp thất nghiệp, rút Bảo hiểm xã hội một lần vẫn tăng trong năm 2023 so với năm trước (Ảnh minh hoạ: H.Việt).

Bộ LĐ-TB&XH nhìn nhận, năm vừa qua, do khó khăn về đơn hàng, nhiều doanh nghiệp giảm việc làm, giảm lao động, dẫn tới tỷ lệ lao động rút bảo hiểm xã hội một lần tăng cao. Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, tới hết tháng 6/2023, cả nước có trên 668 nghìn người hưởng các chế độ bảo hiểm một lần.

Cũng tính tới hết tháng 11 vừa qua, cả nước đã có trên 17,5 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội hội (chiếm trên 39% lực lượng lao động trong độ tuổi), trên 14,3 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Trong quý III, thu nhập bình quân tháng của người lao động đạt 7,9 triệu đồng, tăng 7,9% so với năm trước.

Báo cáo từ các địa phương cho thấy, trong quý III, cả nước có trên 118.000 người mất việc, trên 54 nghìn người phải nghỉ giãn việc (giảm so với quý trước đó). Số lao động bị giãn việc, giảm việc chủ yếu thuộc khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm hơn 66%), tập trung các ngành như da giày, dệt may, ở các địa phương như Bình Dương, TPHCM.

“Số người lao động đang làm việc có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động chưa có sự cải thiện về chất lượng, khi số lao động làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Số người có việc làm phi chính thức tiếp tục tăng và chiếm tới 65% lực lượng lao động, chủ yếu là nữ; thị trường lao động có hiện tượng mất cân đối cung - cầu”, Bộ LĐ-TB&XH đánh giá.


Đồng hành cùng doanh nghiệp triển khai HĐĐT trong bán lẻ xăng dầu