NGHỊ QUYẾT
PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 02 NĂM 2020
1. Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 02 và 02 tháng đầu năm 2020; những giải pháp cấp bách thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hiện nay
Chính phủ thống nhất đánh giá: Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chủ động, quyết liệt thực hiện phương châm “chống dịch như chống giặc” của các cấp, các ngành, chúng ta đã bước đầu kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, tập trung cách ly, không để lây lan, được nhân dân và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các cấp, các ngành, lực lượng quân đội, công an, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước, đặc biệt là ngành y tế, đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế và hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia, các Ban Chỉ đạo địa phương trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Mặc dù dịch bệnh đã tác động, ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực nhưng tình hình kinh tế - xã hội nước ta vẫn duy trì ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02 giảm 0,17% so với tháng trước. Xuất khẩu tăng, nhập siêu được kiểm soát. Thu ngân sách nhà nước tăng 9,3% so với cùng kỳ; chi cho công tác phòng, chống dịch bệnh được bảo đảm. Giải ngân vốn đầu tư công cao hơn so với cùng kỳ. Công nghiệp và nông nghiệp vẫn duy trì tăng trưởng. Dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát. Doanh nghiệp thành lập mới tăng 9,1%, số vốn đăng ký tăng 47,1%. Công tác người có công, bảo đảm an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, lao động, việc làm, giảm nghèo tiếp tục được quan tâm, thực hiện tốt. Đời sống của Nhân dân được cải thiện, số hộ thiếu đói giảm. Ngành giáo dục tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, chuẩn bị các điều kiện, bảo đảm an toàn cho học sinh đi học trở lại. An ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Trật tự an toàn giao thông chuyển biến tích cực, giảm cả ba tiêu chí. Công tác đối ngoại tiếp tục được chú trọng.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cùng với hạn hán, xâm nhập mặn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giông lốc, mưa đá ở Bắc bộ nên nhiều ngành, lĩnh vực đã gặp khó khăn và bộc lộ rõ những hạn chế, bất cập. Tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ, nhất là ngành hàng không, du lịch, dịch vụ, chế biến, chế tạo; nhiều doanh nghiệp đối mặt nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất... Vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài và vốn FDI giải ngân giảm. Một số bộ, cơ quan chậm phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp. Xuất khẩu một số nông sản gặp khó khăn, giá giảm, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của một bộ phận bà con nông dân.
Dự báo diễn biến dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng lớn đến kinh tế thế giới, khu vực và nhiều nước đối tác lớn, qua đó tiếp tục tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực của đất nước và cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ để ứng phó hiệu quả. Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là thận trọng, không được chủ quan nhưng không bi quan; yêu cầu các cấp, các ngành theo dõi, đánh giá đúng tình hình để chủ động có giải pháp, đối sách cụ thể, phù hợp và kịp thời đối với từng ngành, từng lĩnh vực; huy động mạnh mẽ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước để thực hiện “mục tiêu kép”: vừa quyết liệt phòng, chống, khống chế dịch, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra.
....
...(Xem chi tiết tại văn bản)...
Tải về tại đây: