Chat Zalo! Icon
Miễn lệ phí môn bài 3 năm đối với DN được cấp giấy chứng nhận đăng ký lần đầu

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, tại dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2016/NĐ-CP về lệ phí môn bài, Bộ Tài chính đồng ý với đề xuất miễn lệ phí môn bài 3 năm kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu.


Miễn lệ phí môn bài đối với cơ sở kinh doanh mới thành lập

Bộ Tài chính cho biết, thực hiện chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2019 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài. Dự thảo Nghị định đã được lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành, UBND các tỉnh, TP và của các tổ chức, cá nhân. Trên cơ sở ý kiến tham gia của 53/93 bộ, ngành và địa phương góp ý dự thảo. , Bộ Tài chính đã tổng hợp vào dự thảo nghị định.

Theo đó, tại Khoản 1 Điều 1 dự thảo nghị định quy định miễn lệ phí đối với: “tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình mới ra hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc mới thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh trong năm đầu (từ ngày 1/1-31/12  năm khởi sự kinh doanh)”.

Bên cạnh đó, để đảm bảo công bằng và thống nhất với nội dung miễn lệ phí môn bài đối với chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của tổ chức mới ra hoạt động sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính bổ sung đối tượng được miễn lệ phí môn bài bao gồm cả chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của DN nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh.

Miễn lệ phí môn bài đối với cơ sở giáo dục công lập

Một vấn đề khác cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các bộ, ngành địa phương đó là miễn lệ phí môn bài đối với cơ sở giáo dục công lập. Theo dự thảo nghị định, việc miễn lệ phí môn bài trong trường hợp này áp dụng đối với cả công lập và ngoài công lập. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp và UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, để đảm bảo công bằng đối với các trường hợp khác đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc việc miễn lệ phí môn bài đối với trường hợp ngoài công lập, đây là do hoạt động vì mục đích kinh doanh.

Theo Bộ Tài chính, dịch vụ giáo dục do các cơ sở giáo dục công lập cung cấp đang thực hiện theo mức giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, chưa tính đầy đủ chi phí theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Như vậy, đa số các cơ sở giáo dục công lập đang hoạt động hiện nay đều không nhằm mục đích sinh lời. Trong khi đó, các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục mầm non ngoài công lập hoạt động theo hình thức kinh doanh (hoạt động nhằm mục đích sinh lời). Đồng thời, các cơ sở giáo dục này không áp dụng mức thu học phí theo mức giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định mà quy định mức giá thu học phí đã tính đầy đủ các chi phí. Do đó, Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến tham gia và hoàn chỉnh dự thảo nghị định theo hướng chỉ miễn lệ phí môn bài cho cơ sở giáo dục công lập.

Đối với hợp tác xã nông nghiệp, dự thảo quy định miễn lệ phí môn bài đối với: “hợp tác xã (bao gồm cả chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp”. Đánh giá tác động giảm số thu NSNN đối với hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp theo đề nghị của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính cho biết, năm 2018 số thu lệ phí môn bài của các hợp tác xã nông nghiệp vào khoảng 170 triệu đồng/năm, chiếm tỷ lệ 0,0073% tổng số thu lệ phí môn bài nên khi miễn khoản này sẽ không tác động lớn đến NSNN, ngược lại còn có tác dụng động viên nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài./.


Theo: TCT

Chính phủ chính thức ban hành Thông tư 68/2019/TT-BTC hướng dẫn về hóa đơn điện tử