VCCI đề nghị sửa đổi quy định về ngưỡng doanh thu chịu thuế của của hộ, cá nhân kinh doanh theo hướng nâng mức doanh thu chịu thuế lên khoảng 180 đến 200 triệu đồng/năm.
Phản hồi đề nghị của Bộ Tài chính về góp ý xây dựng dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng; đồng thời, trên cơ sở tổng hợp ý kiến từ doanh nghiệp và các chuyên gia, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, dự thảo đã nâng ngưỡng doanh thu không chịu thuế của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh từ 100 triệu đồng/năm lên 150 triệu đồng/năm.
Quy định này sẽ giúp nhiều cá nhân, hộ gia đình kinh doanh nhỏ lẻ không phải thực hiện việc kê khai và nộp thuế. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp thì ngưỡng doanh thu chịu thuế 150 triệu đồng/năm vẫn tương đối thấp.
So sánh giữa cá nhân kinh doanh và cá nhân làm công ăn lương sẽ thấy sự bất hợp lý. Hiện nay, cá nhân làm công ăn lương có mức giảm trừ gia cảnh đối với trường hợp không có người phụ thuộc là 132 triệu đồng/năm, nếu có một người phụ thuộc là 184,8 triệu đồng/năm. Nếu có hai người phụ thuộc là 237,6 triệu đồng/năm.
Giả định, trung bình mỗi người lao động có một người phụ thuộc thì ngưỡng thu nhập chịu thuế đối với người làm công ăn lương hiện cao hơn ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng của cá nhân kinh doanh. Đó là chưa kể, để có thể có doanh thu, cá nhân kinh doanh sẽ phải mất các chi phí đầu vào trong khi thu nhập cá nhân thì không có các chi phí này.
Ở các lĩnh vực khác nhau có kết cấu chi phí và mức thuế suất khác nhau
VCCI viện dẫn, ở các lĩnh vực khác nhau có kết cấu chi phí và mức thuế suất khác nhau, dù có thể cùng một mức doanh thu. Ví dụ như với lĩnh vực thương mại hàng hoá như cửa hàng bán lẻ hay tạp hoá thì có chi phí đầu vào chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu, phần thu nhập mà cá nhân kinh doanh được hưởng không lớn và số thuế thu được chỉ từ 1,5 triệu đồng/năm. Với lĩnh vực cung cấp dịch vụ, chi phí đầu vào không đáng kể, phần giá trị gia tăng làm ra lớn hơn và số thuế phải nộp cao hơn, thấp nhất 7,5 triệu đồng/năm.
Từ những lập luận trên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định về ngưỡng doanh thu chịu thuế của của hộ, cá nhân kinh doanh theo hướng nâng mức doanh thu chịu thuế lên khoảng 180 đến 200 triệu đồng/năm. Đồng thời, cân nhắc phân loại theo ngành nghề tương tự như tại dự thảo về phương pháp tính thuế trực tiếp, ví dụ ngành phân phối, cung cấp hàng hoá có ngưỡng cao hơn ngành dịch vụ, xây dựng…
Liên quan tới dịch vụ xuất nhập khẩu, theo VCCI, dự thảo sửa đổi theo hướng sẽ đánh thuế đối với hầu hết dịch vụ xuất khẩu và không cho phép hưởng thuế suất 0% như trước đây. Chỉ có dịch vụ vận tải quốc tế, cho thuê phương tiện vận tải ngoài lãnh thổ Việt Nam và một số dịch vụ liên quan vẫn được hưởng thuế suất 0%. Các lĩnh vực dịch vụ khác sẽ phải chịu thuế suất tương ứng (cơ bản là 10%). Việc sửa đổi này xuất phát từ nguyên do thời gian qua, cơ quan thuế gặp khó khăn trong việc phân biệt doanh thu nào đến từ dịch vụ được xuất khẩu, doanh thu nào đến từ dịch vụ được tiêu dùng trong nước.
Theo quan điểm của VCCI, việc phải chịu thuế suất 10% khi xuất khẩu sẽ khiến các nhà cung cấp dịch vụ cho nước ngoài của Việt Nam gặp khó khăn khi cạnh tranh với đối thủ đến từ quốc gia khác. Qua tìm hiểu sơ bộ, các quốc gia khác đều đang áp thuế suất 0% cho dịch vụ xuất khẩu và cho phép doanh nghiệp được hoàn thuế đầu vào.
Xu hướng tăng trưởng thương mại dịch vụ quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới trong gần hai thập kỷ qua và nhiều khả năng sẽ tiếp tục trong thời gian tới, cùng với sự phát triển của internet và các phương thức làm việc từ xa. Theo báo cáo từ Ngân hàng Thế giới, xuất khẩu dịch vụ toàn cầu đã tăng từ mức hơn 400 tỷ USD trong những năm đầu của thập kỷ 80 lên hơn 7.210 tỷ USD năm 2022. Đặc biệt, từ năm 2003 đến nay, tốc độ tăng trưởng trung bình của dịch vụ xuất khẩu toàn cầu đạt trên 6,5%. Trong các loại hình dịch vụ xuất khẩu, dịch vụ vận tải quốc tế (được hưởng thuế suất 0% như tại dự thảo) chiếm tỷ trọng lớn, nhưng tỷ trọng này lại đang ngày càng giảm, từ mức 30% năm 1982 xuống 17% năm 2020 (trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19) và được thay thế bằng các dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin.
Hiện nay, xuất khẩu dịch vụ là lĩnh vực đang có tiềm năng phát triển rất lớn. Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 20 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 11% mỗi năm, cao hơn so với tăng trưởng GDP. Việt Nam đang nhập siêu dịch vụ ở mức hơn 10 tỷ USD mỗi năm. Để cung cấp dịch vụ xuất khẩu, các doanh nghiệp thường không yêu cầu vốn đầu tư quá lớn như công nghiệp chế biến chế tạo, phù hợp với một nền kinh tế thiếu vốn như Việt Nam. Thêm vào đó, xuất khẩu dịch vụ trên môi trường internet hiện nay giúp quảng bá hình ảnh đất nước và làm gia tăng sức mạnh mềm của quốc gia.
Theo VCCI, Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế định hướng xuất khẩu. Xuất khẩu hàng hoá luôn là động lực tăng trưởng quan trọng của đất nước, với tốc độ tăng trung bình gần 15% mỗi năm. Kết quả này có được không thể không kể đến vai trò của chính sách thuế giá trị gia tăng đối với hàng hoá xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% và doanh nghiệp được hoàn thuế đầu vào. Mặc dù trong quá trình áp dụng vẫn có tình trạng một số doanh nghiệp gian lận để trục lợi hoàn thuế. Nhưng điều đó không thể phủ nhận lợi ích to lớn của chính sách thuế xuất khẩu hàng hoá 0%. Ngành thuế giai đoạn đầu cũng gặp nhiều khó khăn trong việc chống gian lận hoàn thuế, nhưng qua nhiều năm thực hiện. Do đó, với nhiều nỗ lực hiện nay thì tình trạng này đã và đang được hạn chế rất nhiều.
Đối với xuất khẩu dịch vụ, Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành cho phép hưởng thuế suất 0%. Nhưng trên thực tế phản ánh của nhiều doanh nghiệp, họ vẫn thường bị áp mức thuế 10%. Cũng xuất phát từ lý do khó khăn trong thực thi này, dự thảo đã đề xuất không cho phép dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% nữa, mà thay vào đó là áp thuế 10%.
Tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia khác trong việc thực hiện chính sách thuế giá trị gia tăng dịch vụ xuất khẩu 0%, VCCI nhận thấy các nước thường áp dụng nguyên tắc doanh nghiệp tự khai, tự chịu trách nhiệm, cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm. Để bảo đảm kê khai thuế chính xác, các quốc gia cũng yêu cầu doanh nghiệp phải hạch toán riêng doanh thu từ người dùng trong nước và nước ngoài, sử dụng nhiều biện pháp kiểm tra như dữ liệu từ các nền tảng trung gian (Google, Apple…), IP của người dùng, và dữ liệu thanh toán ngân hàng. Các thông tin này được thu thập, phân loại và quản lý theo rủi ro.
Nhiều doanh nghiệp phản ánh, thời gian qua, để bảo đảm hạch toán riêng giữa doanh thu từ người dùng trong nước và người dùng nước ngoài, doanh nghiệp đã buộc phải tách sản phẩm thành hai phiên bản để cung cấp cho hai thị trường khác nhau. Tuy nhiên, giải pháp này phát sinh nhiều vấn đề và làm tăng chi phí vận hành, cung cấp sản phẩm của doanh nghiệp.
Hiện nay, tình trạng các doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam ra nước ngoài mở doanh nghiệp diễn ra ngày càng phổ biến. Ngoài việc có được ưu thế về huy động vốn từ nhà đầu tư, môi trường kinh doanh thuận lợi, thì vấn đề thuế cũng là một trong những nguyên nhân của tình trạng này. Nếu mở doanh nghiệp tại Việt Nam cung cấp cho người dùng nước ngoài, sản phẩm sẽ phải chịu hai lần thuế giá trị gia tăng cho hai quốc gia. Nhưng nếu mở doanh nghiệp tại nước ngoài để cung cấp cho người dùng tại Việt Nam thì chỉ phải chịu một lần thuế giá trị gia tăng tại Việt Nam.
Với tất cả các lý do trên, VCCI đề nghị Bộ Tài chính duy trì quy định dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế suất 0%; đồng thời, cần có hướng dẫn phương pháp phân loại dịch vụ xuất khẩu và dịch vụ tiêu dùng trong nước.