Chat Zalo! Icon
Chính phủ trình xử lý tiền phạt và chậm nộp, tiền nợ thuế gốc vẫn tiếp tục theo dõi

Ngày 1/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN. Các đại biểu đều đồng tình với sự cần thiết ban hành nghị quyết.


Cần thiết ban hành nghị quyết

Theo đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang), nghị quyết được ban hành sẽ giúp hỗ trợ thực thi Luật Quản lý thuế vừa được Quốc hội thông qua được thuận lợi, tăng cường quản lý thuế và quản lý ngân sách. Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng trong giải quyết những tồn đọng để luật mới được triển khai thông suốt. Đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) nhận định, Luật Quản lý thuế hiện hành chưa bao quát hết được việc xử lý nợ đối với các trường hợp không còn khả năng nộp NSNN dẫn đến số nợ đọng không có khả năng thu tăng cao và phát sinh thêm đối tượng nợ thuế. Thực tế, chúng ta không thể thu được các khoản nợ không thể thu hồi của các người nộp thuế bị chết, bị mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, hoặc khi người nộp thuế lâm vào tình trạng phá sản, giải thể hoặc các trường hợp bị thiên tai, bất khả kháng. Các nước trên thế giới đều đã có cơ chế thực hiện xóa các khoản nợ thuế cho các đối tượng không có khả năng thu hồi, trong đó có người nộp thuế đã chết, mất tích; các khoản thuế phát sinh quá lâu. Thậm chí, một số quốc gia còn xóa nợ cho các trường hợp có bằng chứng chứng minh rằng việc thanh toán nợ thuế làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của bản thân người nộp thuế và người phụ thuộc. Trong dự thảo, Chính phủ đã quy định khá đầy đủ, minh bạch, chặt chẽ các biện pháp xử lý nợ thuế, các quy định về xử lý nợ. Điều này cho thấy việc cẩn trọng trong quá trình xây dựng nghị quyết nhằm tránh được việc lợi dụng chính sách để trục lợi.

Đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, thời gian qua, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý thuế, hải quan. Các bộ, ngành cũng đã ban hành nhiều chính sách góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, phải thừa nhận, bên cạnh số thuế thu được, không thể tránh được phát sinh các khoản nợ thuế. Đối với cơ quan quản lý thuế, việc xử lý các khoản nợ thuế sẽ giúp cho ngân sách rõ ràng hơn, cơ quan quản lý thuế sẽ bớt thời gian theo dõi các khoản nợ không còn khả năng thu, từ đó dành thời gian quản lý các khoản nợ mới thông qua thanh kiểm tra, đôn đốc thu để tránh phát sinh nợ mới phát sinh. Điều này cũng là một giải pháp giúp cơ quan quản lý thuế cắt giảm biên chế, tiết giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Xem xét mở rộng đối tượng được xử lý nợ thuế 

Theo đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên), nghị quyết đưa ra nhằm giải quyết một phần tồn tại về thuế, góp phần cho những con số trong báo cáo liên quan đến tài chính sách thực hơn, tháo gỡ những khó khăn cho một số người nộp thuế có phát sinh nợ thuế. Ngoài ra, nghị quyết đã thể hiện tính nhân văn của Nhà nước khi chủ động xóa nợ thuế đối với người nộp thuế là những người đã chết, người bị tòa án tuyên bố đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự. Với người nộp thuế bị thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn bất ngờ hoặc gặp những tình huống bất khả kháng, thì được xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp. Với người cung ứng hàng hóa, dịch vụ thanh toán bằng vốn NSNN nhưng chưa được thanh toán nên không có nguồn nộp kịp thời dẫn đến phát sinh số tiền nợ thuế. Với những đối tượng này thì quy định tại nghị quyết chính là chủ động giải quyết những bất cập trong sử dụng vốn. Không chỉ đồng tình với dự thảo nghị quyết, đại biểu Phan Văn Tường còn đề nghị Chính phủ xem xét, đề xuất Quốc hội mở rộng đối tượng được xử lý nợ thuế thay vì chỉ có 7 đối tượng quy định như trong nghị quyết. Lý do là bởi nếu Quốc hội thông qua nghị quyết, thì vẫn tồn tại khoảng 843.095 đối tượng nộp thuế không có khả năng nộp NSNN, cùng với đó là cơ quan thuế vẫn phải rà soát trong vòng từ 1 đến 10 năm kể từ 1/7/2020 với số tiền nợ thuế là 38.399 tỷ đồng. Trong khi đó, với những đối tượng nợ thuế không còn khả năng nộp mà phải đợi đến 10 năm mới được xóa nợ. Quy định như vậy là gây lãng phí thời gian, công sức trong quản lý với cơ quan thuế và người nộp thuế. Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét có thể quy định xóa nợ thuế ngay trong nghị quyết với những đối tượng nợ thuế là những người đã chết hoặc bị tòa tuyên bố là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị cần quy định trách nhiệm nếu để xảy ra việc xóa nợ sai đối tượng. Theo đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh), dự thảo nghị quyết quy định xoá tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của các đối tượng là người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, hoặc các DN đang làm thủ tục giải thể, phá sản hoặc DN, cơ sở sản xuất kinh doanh thực tế đã ngừng hoạt động hoặc bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà không còn khả năng nộp thuế. Đại biểu cho rằng, phải nghiên cứu kỹ và xem xét việc xử lý nợ cho các đối tượng không phải người đã chết, mất tích. Đơn cử, các đối tượng làm thủ tục giải thể, phá sản hoặc DN, cơ sở sản xuất kinh doanh thực tế đã ngừng hoạt động, bởi các đối tượng này rất có thể sẽ thành lập được DN, cơ sở kinh doanh khác mà vẫn do pháp nhân đó đứng tên. Điều này không dễ phát hiện. Đại biểu cũng cho rằng, với đối tượng nợ thuế là người nộp thuế đã chết, thì trên thực tế có những người chết vẫn có người thừa kế pháp lý tức là vẫn tồn tại. Bộ Luật Dân sự có quy định về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại, trong đó có các khoản nợ thuế, nợ NSNN. Do đó, trong những trường hợp này, đối tượng thừa kế vẫn phải thực hiện nghĩa vụ thuế cho người chết.

Trao đổi ý kiến tại buổi thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, nghị quyết của Chính phủ trình Quốc hội cho phép là chỉ xử lý tiền phạt và tiền chậm nộp, chưa xử lý đến tiền nợ thuế gốc. Điều kiện tiên quyết để xử lý nợ là người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN. Tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, thực chất là nợ ảo. Đối với tiền nợ thuế gốc vẫn tiếp tục theo dõi và sẽ được xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38 mà Quốc hội vừa thông qua. Khi Quốc hội ban hành nghị quyết, đây sẽ là văn bản quy định pháp luật làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện xử lý nợ. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, không phải ban hành nghị quyết là để xóa ngay nợ, mà phải căn cứ vào từng đối tượng, hồ sơ đáp ứng các điều kiện cụ thể mới được xử lý nợ. Trên tinh thần đó, Chính phủ sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội tại hội trường, tại tổ để phối hợp với Ủy ban Tài chính – ngân sách hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết để trình Quốc hội thông qua vào cuối kỳ họp.

Theo: TCT

5 Trường hợp doanh nghiệp được sử dụng hóa đơn điện tử miễn phí