Chat Zalo! Icon
Cảnh báo từ sớm, từ xa việc xuất khống hóa đơn
15 July, 2023 by

Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp quản lý, song tình trạng mua bán, sử dụng hóa đơn trái pháp luật vẫn diễn biến phức tạp. Ngành Thuế đã và đang đẩy mạnh công tác quản lý hóa đơn bằng cách phòng ngừa từ sớm, từ xa việc xuất khống hóa đơn điện tử; dựa trên kết quả phân tích rủi ro theo các tiêu chí đánh giá, để xác định người nộp thuế có rủi ro cao, có nhiều dấu hiệu nghi ngờ gian lận trong sử dụng hóa đơn để đưa vào thanh tra, kiểm tra.


 Quản lý chặt các trường hợp có rủi ro

Để phát hiện sớm các trường hợp mua bán hóa đơn không hợp pháp, ngành Thuế đã tăng cường đối chiếu thông tin giữa dữ liệu người nộp thuế (NNT) khai tại hồ sơ khai thuế và dữ liệu hóa đơn điện tử (HĐĐT) mà NNT đã khởi tạo và gửi cơ quan thuế, để đưa ra danh sách NNT có sự sai lệch giữa hồ sơ và dữ liệu, đảm bảo DN khai đúng, đủ, không trì hoãn thời gian nộp thuế.

Đồng thời, trên cơ sở hệ thống dữ liệu lớn (big data), các đơn vị chức năng thuộc Tổng cục Thuế thực hiện các chức năng kiểm soát thông tin HĐĐT, kiểm tra các dấu hiệu cảnh báo sớm giúp đưa ra các trường hợp cần giám sát, kiểm tra thường xuyên tiến tới phòng ngừa từ sớm, từ xa việc xuất khống HĐĐT.

Trên cơ sở kết quả rà soát, cơ quan thuế sẽ có cảnh báo tới NNT về sự bất thường hoặc đột biến so với hoạt động kinh doanh thông thường trong việc sử dụng hóa đơn ngay khi NNT thực hiện xuất hóa đơn. Tổng cục Thuế cho biết, việc này sẽ được thực hiện theo ngày để ngăn chặn, cảnh báo việc xuất hóa đơn của NNT có dấu hiệu rủi ro.

Bên cạnh những giải pháp nêu trên, Tổng cục Thuế tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng công nghệ xử lý dữ liệu lớn, công nghệ trí tuệ nhân tạo vào thực hiện phân tích dữ liệu HĐĐT với các nội dung như: xử lý ngôn ngữ tự nhiên, học máy, thống kê nhận biết tên hàng hóa, dịch vụ; xác định giá trị hàng hóa bất thường; xác định chuỗi mua bán giữa các doanh nghiệp (DN) giúp Trung tâm phân tích dữ liệu HĐĐT có thể phát hiện ra những trường hợp gian lận, nghi ngờ mua bán hóa đơn với xâu chuỗi nhiều DN tham gia.

Ngoài việc áp dụng triệt để các biện pháp kỹ thuật, ngành Thuế đã và đang phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan điều tra - Bộ Công an để xác minh, điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với DN có hành vi mua bán hóa đơn; truy vết xử lý DN mua hóa đơn và xử lý triệt để tình trạng bao che cho những hành vi vi phạm pháp luật trong sử dụng hóa đơn.

Phối hợp ngăn ngừa sử dụng hóa đơn trái phép

524 DN vào diện có rủi ro về HĐĐT

Cùng với việc phòng ngừa từ sớm, từ xa việc xuất khống hóa đơn điện tử, ngành Thuế cũng sẽ có cảnh báo tới NNT về sự bất thường hoặc đột biến so với hoạt động kinh doanh thông thường trong việc sử dụng hóa đơn ngay khi NNT thực hiện xuất hóa đơn. Việc này sẽ được thực hiện theo ngày để ngăn chặn, cảnh báo việc xuất hóa đơn của NNT có dấu hiệu rủi ro.

Mới đây, Tổng cục Thuế đã công bố danh sách 524 DN có rủi ro về hóa đơn điện tử; đồng thời, yêu cầu Cục Thuế địa phương phối hợp với DN chủ động rà soát việc sử dụng DN sử dụng hóa đơn của đơn vị.

Theo đó, DN có thể chủ động rà soát và lựa chọn hình thức giải trình trực tiếp tại cơ quan thuế hoặc bằng văn bản.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác quản lý, giám sát việc phát hành, sử dụng HĐĐT, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường các biện pháp rà soát, kiểm tra hóa đơn nhằm ngăn chặn gian lận trong việc sử dụng hóa đơn.

Theo đó, Cục Thuế các địa phương đã và đang tập trung đẩy mạnh tháng cao điểm phòng, chống các tổ chức, cá nhân mua, bán hóa đơn không hợp pháp, gian lận hoàn thuế. Trong tháng cao điểm, đồng loạt cơ quan thuế các cấp ra quân, đấu tranh, xử lý hành vi gian lận về thuế, về mua bán và sử dụng hóa đơn không hợp pháp.

Trong tháng 6 vừa qua, các cơ quan thuế đã có thư ngỏ về việc phối hợp ngăn ngừa việc sử dụng HĐĐT trái phép. Tại thư ngỏ, cơ quan thuế thông tin tới toàn thể NNT trên địa bàn các quy định pháp luật về thuế nói chung và các hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ nói riêng. Thông tin đến NNT về quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khi mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; các hành vi bị cấm khi sử dụng hóa đơn; hậu quả khi vi phạm quy định pháp luật thuế về hóa đơn.

Cùng với đó, các cơ quan thuế thông tin đến NNT các nội dung cơ quan thuế đã và đang thực hiện. Trong đó, cơ quan thuế khẳng định sẽ tăng cường kiểm soát, giám sát chất lượng, đảm bảo tối đa tính nghiêm ngặt trong quá trình vận hành hệ thống; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống HĐĐT, đặc biệt tập trung vào ứng dụng xác minh hóa đơn; tiếp tục bổ sung, khai thác triệt để các công cụ, ứng dụng cảnh báo, phân tích dữ liệu, truy xuất, phát hiện các trường hợp có dấu hiệu rủi ro cao về hóa đơn.

Các cơ quan thuế cũng tổ chức thực hiện rà soát định kỳ, tần suất lớn để nhận diện dấu hiệu vi phạm, kịp thời phát hiện, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn, chứng từ giả; sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp; gian lận thuế, trốn thuế.

“Cơ quan thuế sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cố tình vi phạm theo đúng thẩm quyền; tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, chuyển giao, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về kinh tế, tiêu cực với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định pháp luật” - theo đại diện Lãnh đạo Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết.

Đại diện lãnh đạo Vụ Kê khai (Tổng cục Thuế) Lê Thị Duyên Hải khuyến nghị, NNT cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật về thuế. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, người dân, DN có thể liên hệ với cơ quan thuế quản lý trực tiếp hoặc phản hồi thông qua và hotline giải đáp HĐĐT trực tiếp tại cơ quan thuế trên địa bàn hoặc qua và hotline của Tổng cục Thuế để được giải đáp.

Mới đây nhất, Bộ Tài chính đã tổ chức hội thảo khoa học “Quản lý thuế và tính tuân thủ của NNT từ triển khai HĐĐT” tại TP. Hồ Chí Minh. Phát biểu tại hội thảo, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) Nguyễn Như Quỳnh cho biết, để nâng cao hiệu quả quản lý thuế và tính tuân thủ của NNT trong triển khai HĐĐT, cần hoàn thiện các quy định, hướng dẫn liên quan đến HĐĐT, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ triển khai HĐĐT có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền trên toàn quốc; nâng cấp ứng dụng HĐĐT đáp ứng việc phân quyền và khai thác dữ liệu HĐĐT của các cơ quan thuế; tăng cường công tác phân tích rủi ro; đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, tập huấn về HĐĐT và sử dụng HĐĐT đúng quy định cho các DN, hộ kinh doanh…

Các hành vi bị cấm khi sử dụng hóa đơn

Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không lập hóa đơn hoặc lập hóa đơn không đúng thời điểm theo quy định pháp luật. Sử dụng không đúng hình thức hóa đơn điện tử đã đăng ký với cơ quan thuế; sử dụng hóa đơn, chứng từ của đơn vị không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Mua bán, sử dụng hóa đơn, chứng từ giả, không hợp pháp để trục lợi; mua bán, sử dụng hóa đơn, chứng từ chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng; sử dụng hóa đơn bị ngừng sử dụng trong thời gian bị cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn.

Sử dụng hóa đơn, chứng từ không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định; hóa đơn tẩy xóa, sửa chữa không đúng quy định; sử dụng hóa đơn, chứng từ “khống”, không phản ánh đúng giá trị thực tế phát sinh hoặc lập hóa đơn “khống”, lập hóa đơn giả; sử dụng hóa đơn để quay vòng khi vận chuyển hàng hóa trong khâu lưu thông hoặc dùng hóa đơn của hàng hóa, dịch vụ này để chứng minh cho hàng hóa, dịch vụ khác; sử dụng hóa đơn, chứng từ của tổ chức, cá nhân khác để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc bán ra.

Sử dụng hóa đơn, chứng từ mà cơ quan thuế, cơ quan công an hoặc các cơ quan chức năng khác đã kết luận là sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ. Đưa hối lộ hoặc thực hiện các hành vi khác liên quan đến lĩnh vực hóa đơn, chứng từ nhằm mưu lợi bất chính. Truy cập trái phép, làm sai lệch, phá hủy hệ thống thông tin về hóa đơn, chứng từ./.