Chat Zalo! Icon
Các nguyên tắc nào được đưa ra trong dự thảo nghị định về kiểm tra chuyên ngành?
26 April, 2021 by
Nguyễn Hoài Nguyên Hậu
Thực hiện kiểm tra theo mặt hàng và được sử dụng kết quả kiểm tra của hàng hóa giống hệt để thực hiện thủ tục cho các lô hàng nhập khẩu tiếp theo. Người nhập khẩu phải chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.


Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái kiểm tra hàng hóa nhập khẩu qua cầu Bắc Luân II. Ảnh: Q.H
Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái kiểm tra hàng hóa nhập khẩu qua cầu Bắc Luân II. Ảnh: Q.H


Bám sát đề án được Thủ tướng phê duyệt

Đó là một trong những nguyên tắc trong dự thảo Nghị định quy định về kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu đang được Tổng cục Hải quan lấy ý kiến rộng rãi.

Trong đó, tại chương I - Quy định chung của dự thảo Nghị định quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; các trường hợp miễn kiểm tra, nguyên tắc kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm; áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm.

Các nội dung quy định được xây dựng trên cơ sở các nội dung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 38/QĐ-TTg. Theo đó, áp dụng thống nhất các trường hợp miễn kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực thẩm trên cơ sở tổng hợp các trường hợp miễn kiểm tra tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP, Nghị định số 85/2019/NĐ-CP; bổ sung, mở rộng một số trường hợp miễn phù hợp với thực tiễn; công nhận, thừa nhận hàng hóa đã được kiểm tra tại nguồn, hàng hóa được sản xuất theo công nghệ tiên tiến và có xuất xứ từ những nước, vùng lãnh thổ có tiêu chuẩn chất lượng cao.

Trong đó, cụ thể hóa nội dung đã được phê duyệt tại Quyết định 38/QĐ-TTg về hàng hóa là hàng mẫu để quảng cáo không có giá trị thương mại, hàng mẫu thử nghiệm hoặc nghiên cứu có số lượng phù hợp với mục đích thử nghiệm hoặc nghiên cứu có xác nhận của tổ chức, cá nhân. Số lượng mẫu hàng được nhập không vượt quá số lượng tổi thiểu cần thiết để thử nghiệm, số lần nhập cho một mẫu hàng không quá một lần trên một năm đối với một tổ chức, cá nhân.

Hàng hóa nhập khẩu tại chỗ (trừ trường hợp hàng hóa đặt gia công tại Việt Nam và được tổ chức, cá nhân nước ngoài đặt gia công bán cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam, hàng hóa; Hàng hóa nhập khẩu tại chỗ từ doanh nghiệp chế xuất, khu phi thuế quan vào thị trường nội địa).

Phương tiện nhập khẩu được miễn kiểm tra nhà nước về chất lượng trong các trường hợp như: phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, nghiên cứu khoa học, mục đích cá biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; theo hình thức kinh doanh tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập; chuyển khẩu; gửi kho ngoại quan; quá cảnh; không tham gia giao thông công cộng, chỉ hoạt động trong phạm vi hẹp.

Thực hiện kiểm tra theo mặt hàng

Tại dự thảo Nghị định đưa ra nguyên tắc kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng thống nhất các phương thức kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm bao gồm: kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm.

Thực hiện kiểm tra theo mặt hàng và được sử dụng kết quả kiểm tra của hàng hóa giống hệt để thực hiện thủ tục cho các lô hàng nhập khẩu tiếp theo. Người nhập khẩu phải chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Hàng hóa nhập khẩu giống hệt hàng hóa đã được cấp mã số đăng ký bản công bố hợp quy, mã số tự công bố sản phẩm được áp dụng phương thức kiểm tra thông thường; hàng hóa đã được cấp mã số đăng ký bản công bố sản phẩm thì các lần nhập khẩu hàng hóa giống hệt tiếp theo, các tổ chức, cá nhân được sử dụng mã số đăng ký bản công bố sản phẩm để được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm.

Phương tiện nhập khẩu chưa qua sử dụng có cùng kiểu loại với phương tiện nhập khẩu từ nước áp dụng hệ thống chứng nhận theo kiểu loại hoặc từ nước áp dụng hệ thống tự chứng nhận, đã được cơ quan kiểm tra đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp phương tiện nước ngoài và đã được cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường còn hiệu lực thì được áp dụng phương thức kiểm tra giảm.

Đồng thời áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để bảo đảm vai trò quản lý nhà nước và nâng cao tính tuân thủ của doanh nghiệp.

Theo đó, tiêu chí phân loại mức độ rủi ro để quyết định phương thức kiểm tra nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm như: mức độ tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân; thông tin cảnh báo có yêu cầu đặc biệt của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc của cơ quan có thẩm quyền tại nước ngoài hoặc của nhà sản xuất; tần suất, tính chất, mức độ vi phạm của hàng hóa; lịch sử vi phạm liên quan đến chủ hàng hóa, người gửi hàng, người nhận hàng; dấu hiệu rủi ro, dấu hiệu vi phạm pháp luật về chất lượng, an toàn thực phẩm.

Hệ thống công nghệ thông tin tự động tích hợp, xử lý dữ liệu phục vụ việc áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm. Trường hợp hệ thống gặp sự cố, việc áp dụng quản lý rủi ro trong quyết định phương thức kiểm tra được thực hiện thủ công bằng việc phê duyệt bằng văn bản đề xuất hoặc văn bản ký phát hàng của người có thẩm quyền quyết định phương thức kiểm tra.

N.Linh