Chat Zalo! Icon
Cá nhân gian lận BHXH sẽ bị xử lý hình sự

Theo Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 hướng dẫn áp dụng Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của Bộ Luật Hình sự 2015 do Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao ban hành, từ ngày 1/9, thay vì chỉ xử lý pháp nhân doanh nghiệp (DN) thì các cá nhân là chủ DN có các hành vi trốn đóng, gian lận BHXH, BHYT, BHTN của người lao động sẽ bị xử lý hình sự.
 


(ảnh minh họa)


Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung 3 tội danh: tội gian lận BHXH, BHTN; tội gian lận BHYT; tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động (NLĐ). Từ khi có hiệu lực, ngành BHXH đã phát hiện những sai phạm và chuyển sang cơ quan điều tra gần 100 hồ sơ, nhưng việc truy tố, xét xử, điều tra liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm cũng gặp khó khăn bởi nhiều quy định định tính, chung chung và có các cách hiểu khác nhau.
Theo đại diện TAND Tối cao, trước đây cần phải có uỷ quyền của NLĐ tại DN thì Công đoàn cơ sở mới khởi kiện chủ sử dụng lao động với hành vi trốn đóng, nợ BHXH, BHYT, BHTN là cơ chế uỷ quyền khởi kiện dân sự. Tuy nhiên, tại Điều 6 của Nghị quyết xác định: Trong các vụ án hình sự mà bị can, bị cáo bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gian lận BHXH, BHTNtheo Điều 214 của Bộ luật Hình sự; tội gian lận BHYT theo Điều 215 của Bộ luật Hình sự; tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ của Bộ luật Hình sự cơ quan BHXH tham gia tố tụng với tư cách là bị hại. Với quy định này, khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại các Điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan BHXH gửi văn bản kiến nghị khởi tố kèm theo chứng cứ, tài liệu có liên quan đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét, khởi tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án Nhân dân tối cao cũng xác định: các tổ chức Công đoàn, tổ chức đại diện cho NLĐ và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác nếu phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại các Điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự thì thông báo ngay đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét, khởi tố theo quy định.
Khi nhận được tin báo về tội phạm hoặc văn bản kiến nghị khởi tố và chứng cứ, tài liệu có liên quan, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, thụ lý giải quyết theo quy định của pháp luật. Với quy định này, NLĐ ngoài việc uỷ quyền cho tổ chức Công đoàn tố giác, khởi tố, khởi kiện chủ sử dụng lao động trốn đóng, chậm đóng, gian lận số tiền tham gia BHXH, BHYT, BHTN của mình thì có thể trực tiếp thực hiện công việc này.
Ngoài ra, tại Điều 3 của Nghị quyết quy định về một số tình tiết định khung hình phạt. Theo đó, có tính chất chuyên nghiệp quy định tại điểm b khoản 2 các Điều 214 và 215 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi gian lận BHXH, BHTN, BHYT từ 05 lần trở lên (không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích) và người phạm tội lấy khoản lợi bất chính thu được từ việc phạm tội làm nguồn thu nhập.
Điều 4 của Nghị quyết xác định truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng một loại hành vi quy định tại các điều 214 và 215 của Bộ luật Hình sự chiếm đoạt tiền BHXH, BHYT, BHTN và trong các hành vi đó chưa có lần nào bị xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính hoặc chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự…/.
Nguyễn Thành
Chia sẻ tại Lễ công bố Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 của Hội đồng Thẩm phán Toà án Nhân dân Tối cao diễn ra vừa qua, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, những năm qua, thực hiện nhiệm vụ triển khai chính sách BHXH, BHYT, BHTN, ngành BHXH đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, toàn quốc có trên 30% lực lượng lao động tham gia BHXH, BHTN; gần 90% dân số tham gia BHYT. Hằng năm, cơ quan BHXH giải quyết chi trả chế độ BHXH cho trên chục triệu người hưởng và trên 170 triệu lượt người hưởng chế độ BHYT. Tuy nhiên, trong thực hiện các chính sách này, BHXH Việt Nam cũng đang gặp không ít khó khăn, thách thức, nhất là tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN có xu hướng diễn biến ngày càng phức tạp hơn. Tính đến nay, toàn quốc số nợ BHXH, BHYT, BHTN là trên 6.000 tỷ đồng của trên 55.000 đơn vị sử dụng lao động, tác động đến hàng trăm nghìn người lao động.
Vì vậy, Hội đồng Thẩm phán Toà án Nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết hướng dẫn các điều luật liên quan đến tội trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN tại các Điều 214, 215, 216 của Bộ luật hình sự là hết sức cần thiết, tháo gỡ nhiều vướng mắc trong quá trình xử lý hình sự các hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN.


Nguồn: BHXH Việt Nam

Những chuyển biến tích cực trong triển khai thực hiện chính sách BHYT