Chat Zalo! Icon
Đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử đề xuất từ doanh nghiệp
16 October, 2019 by
Phạm Vũ Minh Đức

Mặc dù, cơ quan thuế các cấp đã quan tâm, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo tinh thần Nghị định 119/NĐ-CP (NĐ119) của Chính phủ, nhưng quá trình thực hiện vẫn phát sinh một số vướng mắc. Đây là cơ sở để ngành thuế nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách, đồng thời chủ động đề xuất một số giải pháp để triển khai hiệu quả hơn trong thời gian tới.


Vẫn còn rào cản với HĐĐT

Phó Tổng thư ký Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam Nguyễn Tương cho biết, hiện nay hiệp hội có 400 DN, trong đó 67% là DN vừa và nhỏ, nên việc sử dụng hóa đơn giấy còn khá phổ biến. Lý giải rõ hơn về thực tế này, ông Tương nêu rõ, HĐĐT chưa được nhiều người biết đến, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Do đó, khi các DN vận chuyển mới sử dụng HĐĐT gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí phải giải thích về HĐĐT, tính hợp pháp của loại hóa đơn này. Quan trọng hơn, Nghị định số 51/2010/NĐ-CP cho phép DN sử dụng nhiều hình thức hóa đơn (tự in, đặt in, HĐĐT); NĐ119 về HĐĐT cũng quy định rõ trong thời gian 2 năm chuyển tiếp Nghị định 51 vẫn có hiệu lực và DN được sử dụng hóa đơn giấy đến 31/10/2020. Do đó, chưa có cơ sở pháp lý để bắt buộc các DN phải sử dụng HĐĐT của cơ quan thuế. Vì vậy, các DN đã tham gia sử dụng HĐĐT của cơ quan thuế chủ yếu trên tinh thần tự nguyện và chưa thể triển khai rộng.

Còn theo Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội - TS Mạc Quốc Anh, HĐĐT có rất nhiều lợi ích, song quá trình triển khai gặp không ít khó khăn do chưa có sự hướng dẫn cụ thể, chi tiết để các DN, tổ chức kinh doanh thấy rõ được lợi ích cũng như sự thuận lợi khi sử dụng HĐĐT. Một nguyên nhân khác đó là, các DN, hộ kinh doanh đã có nhiều năm sử dụng hóa đơn giấy và đã hình thành một thói quen nên việc chuyển sang dùng một hình thức hóa đơn hoàn toàn mới là rất khó khăn. Đó là chưa kể các DN nhỏ, siêu nhỏ và các hộ kinh doanh ở Việt Nam cơ bản có xuất phát điểm thấp, làm ăn nhỏ lẻ manh mún, trình độ hiểu biết về công nghệ thông tin không cao, kiến thức của chủ DN còn hạn chế nên e ngại thay đổi, vận hành những cái mới. Ngoài ra, để triển khai HĐĐT, các DN phải đầu tư ban đầu khá lớn, bao gồm máy tính, các trang thiết bị kết nối internet, dịch vụ đường truyền, đây cũng là một rào cản nhất là đối với các DN nhỏ, DN ở vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, một số DN làm ăn không minh bạch, vẫn muốn lợi dụng cách quản lý cũ để dễ bề gian lận nhằm mục đích mập mờ doanh thu, gian lận thuế nên cũng đang tìm mọi cách để cản trở việc triển khai HĐĐT

Đề xuất giải pháp khuyến khích sử dụng HĐĐT

Để đưa HĐĐT vào thực tiễn qua đó góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý và cắt giảm chi phí cho DN, ông Nguyễn Tương cho rằng, Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế cần nghiên cứu cơ chế khuyến khích các DN chuyển đổi sang sử dụng HĐĐT như giảm thủ tục hành chính khi sử dụng HĐĐT, ưu tiên hoàn thuế GTGT cho các DN tích cực áp dụng HĐĐT. Trong giai đoạn đầu triển khai, có thể hỗ trợ một phần chi phí cho DN trong việc phát hành HĐĐT nhất là khu vực DN nhỏ và vừa, hay các DN ở vùng sâu, vùng xa.

Ông Mạc Quốc Anh cũng đề xuất, trong thời gian tới, ngành thuế cần đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của việc sử dụng HĐĐT đến các DN bằng nhiều hình thức, đồng thời phối hợp với các nhà cung cấp giải pháp tổ chức các hội nghị hướng dẫn cụ thể, chi tiết về HĐĐT cho các DN, nhất là việc chuẩn bị cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật và các thao tác lập, sử dụng HĐĐT; trong đó, mọi vướng mắc, khó khăn của người nộp thuế trong quá trình sử dụng HĐĐT cần được giải đáp tháo gỡ ngay. Cơ quan thuế tại các tỉnh, TP cần thành lập các tổ triển khai bao gồm các bộ phận chức năng có liên quan, đồng thời công bố công khai các số điện thoại hỗ trợ trực tiếp để DN có thể liên hệ. Đặc biệt, để tạo sự kết nối đồng bộ, ngành thuế cần tiếp tục nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, đường truyền, giúp việc tạo lập, xuất HĐĐT được nhanh chóng, dễ dàng.

Ở góc độ DN trung gian cung cấp các giải pháp HĐĐT, áp dụng HĐĐT rất cần một hạ tầng kỹ thuật tốt, an toàn, bảo mật nên đòi hỏi DN cung cấp giải pháp phải có quy mô và năng lực cung cấp dịch vụ trên phạm vi rộng và trong thời gian dài (lưu trữ hóa đơn 10 năm). Chính vì vậy, cần coi dịch vụ HĐĐT là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, theo đó nhà nước cần sớm ban hành quy định về tiêu chuẩn, điều kiện và chứng minh năng lực cung cấp thì mới cấp phép. Đồng thời, cơ quan quản lý phải thường xuyên rà soát các nhà cung cấp không đủ năng lực để có phương án dừng cung cấp dịch vụ và có hướng xử lý để đảm bảo quyền lợi cho DN. Về phía cơ quan thuế, cần tiếp tục nghiên cứu loại bỏ bớt thủ tục hành chính (hiện tại vẫn mất 2 ngày gửi thông báo phát hành HĐĐT lần đầu qua mạng). Trong đó có thể bỏ quy định về điều kiện đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin, trình độ quản lý đối với DN sử dụng HĐĐT do hiện nay hầu hết các DN đều đăng ký HĐĐT qua các DN trung gian và các đơn vị này đã đảm bảo được yêu cầu này. Đồng thời cần có cơ chế công nhận đồng bộ HĐĐT ở tất cả các đơn vị, các ngành (hiện các bệnh viện vẫn vừa sử dụng HĐĐT vừa dùng hóa đơn giấy do một số DN bảo hiểm không chấp nhận bồi thường cho người bệnh bằng HĐĐT). Ngoài ra, cơ quan thuế cần sớm có quy định pháp lý về các tiêu chuẩn kết nối thông tin, định dạng chuẩn dữ liệu để đảm bảo việc kết nối, tra cứu, quản lý thông tin về HĐĐT luôn thông suốt./.

Theo: TCT