Chat Zalo! Icon
Quản lý hải quan đối với hoạt động thương mại điện tử

Sự phát triển nhanh chóng hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa XK, NK tại Việt Nam đòi hỏi phải có các quy định riêng để đảm bảo việc quản lý nhà nước và tạo khung pháp lý để các đối tượng tham gia giao dịch thương mại điện tử thực hiện đúng quy định pháp luật.


Gia tăng thương mại điện tử- xu hướng tất yếu

Theo khảo sát của Tổng cục Hải quan, số liệu công bố của Statista (Hãng nghiên cứu thị trường của Đức), năm 2018, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam đạt 2,269 triệu USD và nằm trong top 6 nền thương mại điện tử phát triển nhất năm 2018. Theo đánh giá của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam tại báo cáo về Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam (EBI) năm 2018 thì tốc độ tăng trưởng trung bình năm của Việt Nam từ 25% đến 30%. Nếu Việt Nam vẫn duy trì mức độ tăng trưởng này thì quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2025 đứng thứ ba Đông Nam Á sau Indonesia và Thái Lan.

Tại Việt Nam hiện nay đã xuất hiện các sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee, Adayroi… Tốc độ tăng trưởng của các trang thương mại điện tử cao, điều này cho thấy người tiêu dùng Việt Nam không còn xa lạ trong việc mua hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Ngoài ra, tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng thì người tiêu dùng còn có thói quen mua hàng từ các sàn giao dịch thương mại điện tử trên thế giới như: Enay, amazon…

Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa XK, NK tại Việt Nam được thực hiện giao dịch qua các webite thương mại điện tử bán hàng, các sàn giao dịch thương mại điện tử; hàng hữu hình (vật lý) được di chuyển từ quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đến Việt Nam và ngược lại; việc thanh toán có thể qua các đơn vị thanh toán trung gian hoặc bằng tiền mặt.

Phương thức hoạt động của thương mại điện tử đối với hàng hóa XK, NK hiện nay thường được thực hiện dưới hai hình thức: Người mua hàng tại Việt Nam thực hiện đặt hàng sau đó hàng hóa mới được vận chuyển về Việt Nam (hàng NK), người mua tại nước ngoài thực hiện đặt hàng hóa tại Việt Nam sau đó hàng hóa được chuyển ra nước ngoài cho khách hàng (hàng XK).

Các doanh nghiệp thương mại điện tử (thường là các chủ sàn giao dịch thương mại điện tử) thực hiện việc NK hàng hóa về Việt Nam (hàng hóa đã hoàn thành thủ tục hải quan), khi khách hàng đặt hàng doanh nghiệp thực hiện giao hàng hóa cho khách hàng tại Việt Nam.

Cần cơ chế quản lý riêng

Hiện nay Việt Nam chưa có các quy định riêng đối với việc quản lý nhà nước về thương mại điện tử đối với hàng hóa XK, NK. Cơ quan quản lý nhà nước thực hiện quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa XK, NK như đối với hàng hóa thông thường. Khi đó, hàng hóa XK, NK thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành, thủ tục hải quan, áp dụng chính sách thuế được thực hiện như đối với hàng hóa XK, NK thông thường.

Việc quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về hàng hóa được giao dịch qua thương mại điện tử được thực hiện từ khi người khai thực hiện khai báo với cơ quan quản lý nhà nước (khai báo với cơ quan quản lý chuyên ngành, cơ quan Hải quan). Vì vậy, việc kiểm soát chỉ có thể thực hiện từ khi người khai thực hiện khai báo. Do đó, thông tin liên quan đến hàng hóa được gửi đến cơ quan quản lý tại thời điểm muộn hơn rất nhiều so với thời điểm giao dịch thương mại điện tử được xác lập và cơ quan quản lý không biết được thời điểm thực tế phát sinh các giao dịch thương mại điện tử.

Tại một số nước trên thế giới, tùy vào mục tiêu quản lý, mỗi quốc gia có các biện pháp khác nhau trong việc quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa XK, NK. Đối với Nhật Bản thì không phân biệt việc quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa XK, NK, trong khi đó Hàn Quốc lại chú trọng trong việc thông quan nhanh hàng hóa được gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh do Hàn Quốc đánh giá hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử đa số là sản phẩm cá nhân, trị giá nhỏ và được gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh. Bên cạnh đó, Indonesia và Trung Quốc thì có các ưu đãi riêng đối với hàng thương mại điện tử về chính sách thuế, thủ tục hải quan. Đối với Trung Quốc thì có thêm các chính sách ưu đãi về việc kiểm tra chuyên ngành.

Tại Việt Nam, để đảm bảo việc quản lý được các hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa XK, NK cần thiết phải xây dựng một hệ thống để quản lý được toàn bộ giao dịch thương mại điện tử đang diễn ra trong thực tế. Hiện tại, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đang lấy ý kiến các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh thành phố về dự thảo Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa XK, NK.

Theo đó, để đảm bảo việc quản lý các đối tượng tham gia giao dịch thương mại điện tử đồng thời tạo thuận lợi, thúc đẩy hoạt động thương mại phát triển tại Việt Nam, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đang đề xuất các nhóm giải pháp cụ thể.

Đối với nhóm giải pháp liên quan đến việc thông quan hàng hóa cần phải thực hiện hai nhiệm vụ. Thứ nhất, cần phải xây dựng các thủ tục hải quan, thủ tục kiểm tra chuyên ngành nhằm kiểm soát được hàng hóa nhưng giảm thời gian, thủ tục cho người khai hải quan. Để triển khai được nhiệm vụ này cần thiết phải xây dựng một Nghị định quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa qua biên giới nhằm quy định về thủ tục hải quan, chính sách mặt hàng, chính sách thuế…

Thứ hai, cần xây dựng một hệ thống nhằm quản lý được hoạt động thương mại điện tử. Do các giao dịch được thực hiện thông qua hệ thống, phần mềm, nền tảng công nghệ… nên để quản lý được hoạt động này các cơ quan quản lý cũng cần phải có hệ thống phù hợp với sự phát triển của thời ký phát triển công nghiệp lần thứ tư.

Với nhóm giải pháp liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, hiện tại hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử không chỉ gửi về Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh, bưu chính mà còn có thể gửi qua các DN vận chuyển về Việt Nam bằng đường biển, đường sắt, đường bộ. Vì vậy, cần có quy định về việc miễn kiểm tra chuyên ngành, cấp giấy phép đối với hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trong từng trường hợp cụ thể. Bên cạnh đó, có quy định về việc giảm thời gian kiểm tra chuyên ngành.

Đối với nhóm giải pháp liên quan đến chính sách thuế, hiện nay do chưa có hệ thống để tiếp nhận, lưu giữ, xử lý dữ liệu liên quan đến giao dịch thương mại điện tử nên các khách hàng khi thực hiện mua hàng qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, các website điện tử bán hàng vào thời điểm hàng hóa được giảm giá nhưng khi về đến Việt Nam cơ quan Hải quan không có căn cứ để tính thuế trên trị giá hàng hóa đã giảm mà tính nguyên giá của hàng hóa, như vậy không phản ánh đúng trị giá giao dịch của hàng hóa.

Chính vì vậy, theo Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) cần có quy định cụ thể về việc chấp nhận trị giá giao dịch qua thương mại điện tử là trị giá thực của giao dịch để thực hiện tính thuế với điều kiện các thông tin về giao dịch thương mại điện tử được gửi đến hệ thống quản lý hàng hóa giao dịch thương mại điện tử.

Hiện tại dự thảo Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa XK, NK vẫn đang được lấy ý kiến rộng rãi. Trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động hội thảo, làm việc tập trung để lấy ý kiến của cộng đồng DN, bộ, ngành và chuyên gia về dự thảo Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa XK, NK; dự thảo Quyết định phê duyệt Đề án; dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án và dự thảo Nghị định quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tư qua biên giới trong lĩnh vực hải quan. Bên cạnh đó, ngày 19/9 tới đây, Báo Hải quan cũng tổ chức buổi Tọa đàm: “Quản lý hải quan đối với hoạt động thương mại điện tử”.

Theo Tổng cục Hải quan, các số liệu thống kê cho thấy, thương mại điện tử đối với hàng hóa XK, NK đóng góp 21% doanh thu tổng thương mại điện tử toàn cầu và tạo ra nhiều lợi ích cho cả người mua và người bán. Năm 2018 có 1,6 tỷ người trên toàn cầu mua sắn trực tuyến, dự kiến, năm 2019, kinh doanh thương mại điện tử toàn cầu ước tính 3,4 nghìn tỷ USD và con số này tăng lên 4,06 nghìn tỷ USD trong năm 2020.

Cải cách thủ tục hành chính thuế cần sự đồng hành của doanh nghiệp