Chat Zalo! Icon
Đóng góp ý kiến quy trình rà soát điều tra, khai thác phát triển đối tượng tham gia BHXH
30 July, 2019 by
Phan Khoa Thành
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh quyết tâm phải hoàn thành Chính phủ điện tử. Tuy nhiên, vấn đề an toàn và trách nhiệm kiểm soát cần được đặt lên hàng đầu.


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, chính phủ rất quyết tâm hoàn thiện sớm Chính phủ điện tử.

Sáng nay, 23/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, cho biết đây là việc mới, việc khó, nên việc thường xuyên tổng kết, sơ kết rút kinh nghiệm là cần thiết.

Trước đó, ngày 07/3, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025. Chính phủ đã giao 83 nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, cơ quan. Đến nay, cơ bản các bộ, ngành, cơ quan đã ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết 17/NQ-CP.

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ muốn các đại biểu tập trung thảo luận về khó khăn, bất cập trong thực hiện Nghị quyết 17/NQ-CP để từ đó rút ra được kinh nghiệm, cách làm hay, nêu giải pháp bảo đảm sự thống nhất về cách làm, sự kết nối thống nhất, đồng bộ giữa Trung ương và địa phương với tinh thần quyết tâm "làm cho được Chính phủ điện tử".

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh về vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối trong xây dựng Chính phủ điện tử. Trong đó, lưu ý trách nhiệm người kiểm soát và vấn đề an toàn cần đặt lên hàng đầu.

Về phương hướng những tháng cuối năm 2019, Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ tập trung kết nối liên thông gửi, nhận văn bản điện tử theo Quyết định 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng, xây dựng các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành, cơ sở dữ liệu quốc gia, cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo danh mục Thủ tướng đã ban hành và khả năng sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia...

Trình bày tóm tắt báo cáo tình hình triển khai xây dựng Chính phủ điện tử và hoạt động của Ủy ban, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổng Thư ký Ủy ban cho biết, đến nay, đã vận hành được một số hệ thống có ý nghĩa trong triển khai Chính phủ điện tử như: Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, các nội dung lớn của Cổng Dịch vụ công quốc gia cũng đang được thực hiện...

Bên cạnh đó, đã cơ bản hoàn thành nâng cấp Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, giải pháp xác thực tập trung và xây dựng danh mục các dịch vụ công thiết yếu cho vòng đời của một con người, doanh nghiệp để triển khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Theo Bộ trưởng, Cổng dịch vụ công quốc gia dự kiến đưa vào thử nghiệm trong tháng 09/2019 và vận hành chính thức trong tháng 11/2019.
Văn phòng Chính phủ cũng đang tích cực phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA) triển khai hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng.

Về phía các bộ, ngành, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Tư pháp cấp khoảng 1,9 triệu số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh tại 43 tỉnh, thành; cấp hơn 12 triệu căn cước công dân tại 16 địa phương và đang xây dựng phần mềm phục vụ kết nối hệ thống căn cước công dân với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư./.



Nguồn: Báo BHXH Việt Nam