Chat Zalo! Icon
Bổ sung ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện sản xuất các sản phẩm hỗ trợ cho công nghiệp ô tô
Các quy định mới về khoanh tiền nợ thuế, sửa đổi về xóa nợ 10 năm tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020. Chuẩn bị triển khai quy định mới này, ngành Hải quan đã và đang chủ động thu thập, xác minh thông tin, tài liệu, chuẩn bị hoàn thiện hồ sơ... 


Hiện các cục hải quan đã chủ động kiểm tra, rà soát, xác minh, thu thập thông tin, tài liệu đảm bảo kịp thời cho việc xử lý khoanh nợ theo quy định mới. Ảnh: T.Trang.
Quy định mới về khoanh và xóa nợ thuế XNK

Quốc hội khóa XIV kỳ họp thứ 7 đã thông qua Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020), trong đó có các quy định mới về khoanh tiền nợ thuế, sửa đổi về xóa nợ 10 năm cho phù hợp với thực tiễn, đồng thời cũng quy định rõ chuyển tiếp về xóa nợ phát sinh trước ngày 1/7/2020.

Cụ thể, tại Điều 83 quy định các trường hợp được khoanh tiền thuế nợ bao gồm:

Người nộp thuế là người đã chết, người bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự.

Thời gian khoanh nợ được tính từ ngày được cấp giấy chứng tử hoặc giấy báo tử hoặc các giấy tờ thay cho giấy báo tử theo quy định của pháp luật về hộ tịch hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự.

Người nộp thuế có quyết định giải thể gửi cơ quan quản lý thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh để làm thủ tục giải thể, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thông báo người nộp thuế đang làm thủ tục giải thể trên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký kinh doanh nhưng người nộp thuế chưa hoàn thành thủ tục giải thể.

Thời gian khoanh nợ được tính từ ngày cơ quan đăng ký kinh doanh có thông báo về việc người nộp thuế đang làm thủ tục giải thể trên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký kinh doanh.

Người nộp thuế đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc bị người có quyền, nghĩa vụ liên quan nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.

Thời gian khoanh nợ được tính từ ngày Tòa án có thẩm quyền thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc người nộp thuế đã gửi hồ sơ phá sản doanh nghiệp đến cơ quan quản lý thuế nhưng đang trong thời gian làm các thủ tục thanh toán, xử lý nợ theo quy định của Luật Phá sản.

Người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan quản lý thuế đã phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nộp thuế có trụ sở hoặc địa chỉ liên lạc để kiểm tra, xác minh thông tin người nộp thuế không hiện diện tại địa bàn và thông báo trên toàn quốc về việc người nộp thuế hoặc đại diện theo pháp luật của người nộp thuế không hiện diện tại địa chỉ nơi người nộp thuế có trụ sở, địa chỉ liên lạc đã đăng ký với cơ quan quản lý thuế.

Thời gian khoanh nợ được tính từ ngày cơ quan quản lý thuế có văn bản thông báo trên toàn quốc về việc người nộp thuế hoặc đại diện theo pháp luật của người nộp thuế không hiện diện tại địa chỉ kinh doanh, địa chỉ liên lạc đã đăng ký với cơ quan quản lý thuế.

Người nộp thuế đã bị cơ quan quản lý thuế có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi hoặc đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề.

Thời gian khoanh nợ được tính từ ngày cơ quan quản lý thuế có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi hoặc từ ngày có hiệu lực của quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề.

Bên cạnh đó, tại Khoản 3 Điều 85 về xóa nợ 10 năm Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có quy định: “Các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế quy định tại điểm g khoản 1 Điều 125 của Luật này và các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt này đã quá 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế nhưng không có khả năng thu hồi.

Người nộp thuế là cá nhân, cá nhân kinh doanh, chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp tư nhân và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đã được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt quy định tại khoản này trước khi quay lại sản xuất, kinh doanh hoặc thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh mới thì phải hoàn trả cho Nhà nước khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã được xóa”.
Cùng với đó, tại Điều 152 quy định về chuyển tiếp, Luật 38 cũng quy định rõ: “ Đối với các khoản thuế được miễn, giảm, không thu, xóa nợ phát sinh trước ngày 1/7/ 2020 thì tiếp tục xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2012/QH13, Luật số 71/2014/QH13 và Luật số 106/2016/QH13.

Đối với các khoản tiền thuế nợ đến hết ngày 30/6/2020 thì được xử lý theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này”.

Cơ quan Hải quan chuẩn bị thực hiện như thế nào?

Để đảm bảo kịp thời xử lý nợ sau khi Chính phủ và Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn Luật, Tổng cục Hải quan cũng đã hướng dẫn hải quan các tỉnh, thành phố chuẩn bị một số công việc.

Cụ thể về khoanh tiền nợ thuế, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị chủ động kiểm tra, rà soát, xác minh, thu thập thông tin, tài liệu đảm bảo kịp thời cho việc xử lý khoanh nợ theo quy định tại Điều 83 của Luật khi có văn bản hướng dẫn Luật và có báo cáo đánh giá các trường hợp có khả năng khoanh nợ.

Đối với các khoản nợ đã quá 10 năm, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị tiếp tục hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Khoản 69 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC và công văn hướng dẫn số 4801/TXNK-DTQLT ngày 22/8/2018 gửi về Tổng cục Hải quan xem xét xóa nợ đối với khoản nợ đã quá 10 năm đủ điều kiện xóa nợ theo quy định tại Khoản 20 Điều 1 Luật số 21/2012/QH13.

Đồng thời chủ động thu thập, xác minh thông tin, tài liệu làm rõ DN đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN/ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/ giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã/ giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/ giấy phép thành lập và hoạt động/ giấy phép hành nghề hay chưa đối với khoản nợ không đủ điều kiện xóa nợ theo quy định tại Khoản 20 Điều 1 Luật số 21/2012/QH13. Trên cơ sở đó, các đơn vị chuẩn bị hoàn thiện hồ sơ xóa nợ theo quy định tại Điều 86 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và báo cáo các trường hợp có khả năng xóa nợ theo quy định tại khoản 3 Điều 85 của Luật mới này.

Riêng đối với khoản nợ phát sinh trước ngày 1/7/2007, Tổng cục yêu cầu các đơn vị tiếp tục rà soát, thu thập tài liệu, hoàn thiện hồ sơ sóa nợ theo quy định tại Thông tư 179/2013/TT-BTC ngày 2/12/2013 và báo cáo các trường hợp có khả năng xóa nợ.

Hiện tổng số nợ chuyên thu quá hạn của ngành Hải quan là 5.468,83 tỷ đồng, trong đó nợ khó thu là 3.880,9 tỷ đồng, nợ chờ xử lý là 145,63 tỷ đồng, nợ có khả năng thu là 1.442,3 tỷ đồng.

Trong quá trình thực hiện thu hồi nợ thuế tại một số cục hải quan tỉnh, thành phố, quá trình xác minh thông tin tình trạng hoạt động của DN, nhiều trường hợp khi có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc doanh nghiệp không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký và ngừng hoạt động. Lúc này, cơ quan Hải quan phải chuyển nợ của doanh nghiệp từ nhóm nợ có khả năng thu sang nhóm nợ khó thu.




Nguồn: Hải quan Online



Bổ sung ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện sản xuất các sản phẩm hỗ trợ cho công nghiệp ô tô