Vì sao giá xăng chỉ giảm dưới 500 đồng/lít?
Trong kỳ điều chỉnh ngày 1.8, giá xăng dầu đồng loạt giảm, tuy nhiên, nhiều người vẫn kỳ vọng mức giảm sâu hơn, đặc biệt trong bối cảnh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng đã giảm kịch khung 3.000 đồng/lít.

Vì sao giá xăng chỉ giảm dưới 500 đồng/lít?


Giá xăng, dầu ghi nhận lần giảm thứ 4 liên tiếp kể từ phiên điều hành ngày 1.8. Giá xăng E5 RON 92 về 24.620 đồng (giảm 450 đồng), xăng RON 95-III là 25.600 đồng (giảm 470 đồng).

Các mặt hàng dầu cũng đồng loạt giảm giá. Dầu diesel về 23.900 đồng một lít, sau khi giảm 950 đồng. Dầu hỏa có mức giá mới là 24.530 đồng, giảm 710 đồng, dầu mazut giữ nguyên mức giá so với điều chỉnh kỳ trước, có giá 16.540 đồng/kg.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn kỳ vọng mức giảm sâu hơn, đặc biệt trong bối cảnh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng đã giảm kịch khung 3.000 đồng/lít.

Trong bối cảnh, giá dầu thô thế giới liên tiếp giảm, giao dịch quanh ngưỡng 95 USD/thùng, dưới tác động của các yếu tố suy thoái kinh tế, ảnh hưởng đến tiêu thụ.

Giá xăng dầuGiá xăng dầu giảm nhẹ trong kỳ điều chỉnh ngày 1.8. Ảnh: Ngọc Lê

Theo lý giải từ Bộ Công Thương, dù giá xăng dầu thế giới giảm ở những ngày đầu kỳ điều hành (kỳ điều hành từ ngày 21.7.2022-1.8.2022) do thông tin Hoa Kỳ công bố số liệu GDP giảm, tạo nên sự lo ngại về suy thoái kinh tế của Hoa Kỳ; EU nới lỏng lệnh trừng phạt Liên bang Nga; FED tăng lãi suất….

Song, những ngày tiếp theo, khi một số nhà phân tích cho rằng chưa thể khẳng định Hoa Kỳ rơi vào suy thoái kinh tế khi lao động, việc làm của Hoa Kỳ vẫn tăng, thị trường chứng khoán hồi phục, lo ngại về nguồn cung dầu thấp khi nhiều nước trong khối OPEC khó tăng công suất theo cam kết… đã đẩy giá xăng dầu tăng.

"Nhìn chung, giá xăng dầu trong kỳ vừa qua diễn biến tăng giảm đan xen nhưng xu hướng chung là giảm nhẹ. Với mức bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành giá là: 110,6 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (giảm 1,2% so với kỳ trước); 114,5 USD/thùng xăng RON 95 (giảm 1,54%)" - liên Bộ Tài chính - Công Thương cho biết.

Theo liên Bộ Tài chính - Công Thương, trong các kỳ điều hành thời gian qua, cơ quan quản lý đã chi sử dụng Quỹ bình ổn giá cho các mặt hàng xăng và dầu với mức chi 100-1.500 đồng/lít. Việc này khiến số dư Quỹ Bình ổn hiện ở mức thấp, tại nhiều doanh nghiệp thậm chí còn âm.

Tại phiên điều chỉnh ngày 1.8, liên Bộ đã không chi, nhưng lại thực hiện trích lập quỹ bình ổn giá đối với xăng ở mức 800-850 đồng/lít. Thực tế, giá xăng đã có thể giảm tới 1.300 đồng/lít nếu cơ quan quản lý không thực hiện trích lập hoặc tăng chi quỹ bình ổn giá xăng dầu.

“Mục đích để có dư địa điều hành bình ổn giá xăng dầu cho giai đoạn các tháng cuối năm, khi thị trường xăng dầu vẫn đang tiềm ẩn nhiều bất ổn”, theo liên Bộ.

Nguồn cung xăng dầu trong thời gian tới như thế nào?

Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, nguồn cung trong nước chịu ảnh hưởng từ việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm mạnh công suất sản xuất và không cung ứng đủ sản lượng xăng dầu cho thị trường như đã cam kết.

Trong khi đó, nguồn xăng dầu từ nhập khẩu gặp khó khăn do giá tăng mạnh, cạnh tranh lớn khi nguồn cung cấp bị gián đoạn do xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine.

Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng cường lượng nhập khẩu, đồng thời phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong Quý II năm 2022 cho 10 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhằm bổ sung nguồn thiếu hụt từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.

Theo Bộ này, trong quý II.2022, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đã đẩy mạnh việc nhập khẩu, cung ứng xăng dầu để duy trì nguồn cung cho thị trường, cho nên nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước luôn được đảm bảo, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt hàng trong hệ thống phân phối của thương nhân và tại thị trường nội địa.

Trong quý III, quý IV năm 2022, theo báo cáo của Tập đoàn dầu khí Việt Nam, kế hoạch sản xuất xăng dầu của 2 Nhà máy lọc dầu trong nước gồm Nghi Sơn và Bình Sơn trong 6 tháng cuối năm là: quý III dự kiến sản xuất 3,9 triệu m3 (chiếm 72% tổng nhu cầu) và quý IV dự kiến sản xuất 4,4 triệu m3 (chiếm 80% tổng nhu cầu).

Về cơ bản lượng sản xuất trên theo kế hoạch đã đưa ra để cân đối cung cầu từ đầu năm 2022 và đã được phân giao thực hiện cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước để bảo đảm nguồn cung cho thị trường.

"Hiện 2 nhà máy đều đang vận hành ở công suất tối đa, Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn dự kiến sẽ vận hành ở mức công suất 105% trong 6 tháng cuối năm 2022 để cung ứng xăng dầu cho thị trường", Bộ Công Thương cho hay.

ANH TUẤN
trong Tin tức
Chia sẻ bài này
Thẻ
Đăng nhập để viết bình luận
Hải quan Hà Nội nỗ lực không ngừng trong ứng dụng công nghệ thông tin